Trong số này, gần 4.000 người theo diện Hiệp định giữa Việt Nam với các nước, còn lại là diện tự túc chi phí hoặc theo thỏa thuận song phương ở cấp trường và địa phương.
Giai đoạn 2016-2019, số du học sinh tới Việt Nam không ngừng tăng, từ 17.500 lên 21.000. Tuy nhiên, đến năm 2020-2021, con số này chỉ còn lần lượt 18.500 và 16.000, do ảnh hưởng của Covid-19. Sau đại dịch, số sinh viên nước ngoài đến Việt Nam tăng trở lại.
"Các trường đại học tích cực thu hút và tạo điều kiện học tập tốt nhất cho lưu học sinh nước ngoài. Việc trao đổi học sinh, sinh viên giúp thức đẩy giao lưu văn hóa, trao đổi học thuật và góp phần tăng cường đoàn kết hữu nghị với các nước, hội nhập quốc tế", Bộ nhận định.
Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng lượng du học sinh tới Việt Nam còn hạn chế, trong đó 80% đến từ Lào và Campuchia. Việc thu hút và đào tạo du học sinh chưa được nhiều trường chú trọng. Một số cơ chế, chính sách về bảo hiểm y tế, visa... chưa thu hút được sinh viên quốc tế.
Hồi năm 2022, Cục Hợp tác quốc tế của Bộ cho biết trung bình hàng năm có khoảng 4.000-6.000 sinh viên quốc tế mới tới Việt Nam. Hầu hết học đại học và các khóa ngắn hạn. Số học thạc sĩ, tiến sĩ còn khiêm tốn, chủ yếu là người Lào, Campuchia, một số người Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản học ngành Việt Nam học. Ngành này và các ngành như Tiếng Việt, Việt ngữ học, Ngôn ngữ và Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam được xem là "đặc sản" của Việt Nam.
"Điểm đến" của sinh viên quốc tế thường là các trường đào tạo ngôn ngữ, văn hóa, lý luận như Đại học Hà Nội, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Gần đây, một số trường nhóm kỹ thuật, kinh tế cũng dần thu hút được du học sinh như Đại học Bách khoa Hà Nội, Ngoại thương, Khoa học và Công nghệ Hà Nội (Đại học Việt Pháp)...
Trước đó, theo quy hoạch mạng lưới đại học đến năm 2020, khoảng 3% tổng số sinh viên đại học (66.000) là người nước ngoài.
Thanh Hằng - Dương Tâm