Trung Quốc
Giống như ở Mỹ, trường mẫu giáo ở Trung Quốc kết hợp giữa chăm sóc và giáo dục trẻ em. Trường dành cho trẻ em dưới sáu tuổi, dạy đọc và viết tiếng Trung, giới thiệu những con số và khái niệm cơ bản về Toán học.
Một nội dung quan trọng trong chương trình giảng dạy là ca hát và nhảy múa. Do đó, trẻ được khuyến khích luyện tập và tham gia các buổi biểu diễn văn nghệ. Giáo dục thể chất cũng được chú trọng nên trường học bố trí rất nhiều thời gian trên sân chơi cho trẻ.
Pháp
Trường mẫu giáo ở Pháp được gọi là école maternelle và dành cho trẻ em từ ba đến năm tuổi. Tại école motherselle, học sinh được dạy đọc và viết, đồng thời bắt đầu bài học về các con số. Một trong những mục tiêu chính của trường mẫu giáo là giúp trẻ hòa nhập với xã hội. Tất cả trẻ tham gia vẽ, làm đồ thủ công, chơi trò chơi và ca hát mỗi ngày. Những bé ít tuổi được ngủ thêm một giấc ngắn vào buổi chiều.
Một trong những trường mẫu giáo nổi tiếng nhất ở Pháp là Crèche de la Girafe, nơi có con hươu cao cổ khổng lồ "đâm thủng" lớp học.
Đức
Hơn 80% trẻ em Đức đi học mẫu giáo, bởi cha mẹ nhận được trợ cấp tiền mặt để nuôi con. Cụ thể, với mỗi đứa trẻ, phụ huynh sẽ nhận được khoảng 200 USD mỗi tháng. Khoản tiền này được gọi là kindergeld (tiền của trẻ em). Nhiều gia đình sử dụng để mua đồ dùng học tập và cho con học mẫu giáo. Tuy vậy, ở đất nước này, việc đăng ký vào trường mẫu giáo khá cạnh tranh, khiến nhiều em được xếp vào danh sách chờ. Các trường nổi tiếng nhất thường dạy cả tiếng Đức và tiếng Anh.
Rất nhiều trường mẫu giáo cung cấp chương trình đặc biệt ở ngoài trời. Ví dụ, Robin Hood Waldkindkindergarten là "trường mẫu giáo trong rừng" nổi tiếng, sử dụng công viên và khu rừng làm lớp học, bất kể thời tiết đẹp hay xấu.
Canada
Tương tự ở Đức, một số trường mẫu giáo của Canada ưu tiên các hoạt động ngoài trời. Đây là phong trào đang phát triển trong nước, dù kiểu trường truyền thống vẫn chiếm đa số. Nhiều người tin rằng thời gian nghỉ giải lao từ 20 đến 30 phút không đủ để trẻ khám phá cuộc sống xung quanh. Thay vào đó, nhiều giáo viên cho phép trẻ dành cả ngày ở bên ngoài.
Chẳng hạn, ở trường Equinox (Toronto), học sinh tương tác với thiên nhiên hàng ngày. Thông qua cách kể chuyện và dạy về thế giới tự nhiên, trẻ tiếp thu kiến thức phù hợp lứa tuổi theo cách khác biệt.
Nhật Bản
Mặc dù trường mẫu giáo không thuộc chương trình bắt buộc, Nhật Bản vẫn sở hữu những ngôi trường hấp dẫn dành cho trẻ nhỏ. Trong số đó, trường mẫu giáo Fuji ở Tokyo nổi tiếng thế giới với thiết kế độc đáo. Mái của tòa nhà hình tròn trông khá giống đường đua, học sinh được thoải mái chạy nhảy trên đó. Từ mái nhà, các em có thể trượt xuống tầng trệt, nơi có không gian mở để chơi đùa, hoặc thậm chí trèo cây để vào bên trong lớp học.
Một trường mẫu giáo khác xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông là Buddy Sports ở khu Setagaya, Tokyo, hoạt động theo phong cách trại huấn luyện quân sự. Do giáo dục thể chất được ưu tiên hàng đầu, mọi học sinh phải bắt đầu ngày mới bằng cách chạy gần hai dặm. Phương châm của trường là "cố gắng hết sức", nhưng khi thấy một học sinh khóc khi tập luyện, giáo viên sẽ yêu cầu em dừng lại để nghỉ ngơi.
Vương quốc Anh
Ở Vương quốc Anh, trường mẫu giáo được gọi là "playgroup". Chúng thường do địa phương cấp vốn và điều hành, nhưng phải đáp ứng các tiêu chuẩn của Ủy ban Y tế và Dịch vụ xã hội. Ví dụ, tỷ lệ giáo viên trên học sinh là 1:8 và mỗi ngày học kéo dài khoảng bốn giờ.
Một trường mẫu giáo ở London có tên Sunshine Playgroup cung cấp nhiều môn học đa dạng như nấu ăn, kịch, tiếng Pháp và thậm chí là yoga.
Châu Phi
Nhiều trẻ em ở lục địa đen không được tiếp cận với nền giáo dục tốt. Do đó, tổ chức phi lợi nhuận Làng trẻ em SOS đã xây dựng các trường mẫu giáo miễn phí ở nhiều nước trong khu vực, nhằm giúp trẻ có môi trường học và chơi cùng bạn bè. Tổ chức này cũng chuyên cung cấp nhà ở cho trẻ mồ côi hoặc bị bỏ rơi.
Các trường học miễn phí tuyển dụng giáo viên được đào tạo chuyên sâu, sử dụng phương pháp Montessori, khuyến khích học sinh tự do khám phá khả năng sáng tạo và phát triển thể chất theo bất kỳ cách nào các em lựa chọn.
Thùy Linh (theo Insider)