Kể từ khi Yamaha tiên phong đưa R3 về Việt Nam hồi tháng 9/2015, thị trường xe phân khối lớn trong nước dần hình thành. Trước đó là sự có mặt của Kawasaki đưa hầu hết các mẫu phân khối lớn của hãng về Việt Nam, trong đó có đối thủ của R3 là Ninja 300. Ngoài xe chính hãng, những nhà nhập khẩu tư nhân còn đưa về Honda CBR300R.
Điểm khác biệt lớn nhất mà Yamaha tạo ra so với đối thủ chính là mức giá 150 triệu đồng. Vào giữa tháng 5/2015, Kawasaki bắt đầu phân phối chính hãng tại Việt Nam, Ninja 300 hút khách nhờ mức giá 196 triệu. Nhưng với sự xuất hiện của R3, Kawasaki liên tục điều chỉnh giá của Ninja 300 xuống 185 triệu, 169 triệu và 149 triệu cho những xe giao trong tháng 1/2016. Trái ngược với các đối thủ, CBR300R không thể giảm giá vì làn nhập khẩu tư nhân nên mức giá khoảng 195 triệu đồng.
Về sức mạnh, Yamaha R3 vượt trội hơn cả nhờ trang bị động cơ 2 xi-lanh song song dung tích thực 321 phân khối, công suất 41,5 mã lực ở vòng tua máy 10.500 vòng/phút, mô-men xoắn cực đại 29,6 Nm tại 9.000 vòng/phút. Tiếp đến là Ninja 300, xe trang bị động cơ xi-lanh đôi dung tích thực 296 phân khối, công suất 39 mã lực ở vòng tua máy 11.000 vòng/phút, mô-men xoắn cực đại 27 Nm tại 10.000 vòng/phút.
Mẫu sportbike của Honda yếu nhất khi chỉ trang bị động xơ một xi-lanh dung tích 286 phân khối cho công suất chỉ 30,4 mã lực ở vòng tua máy 8.500 vòng/phút, mô-men xoắn cực đại 27 Nm tại 7.250 vòng/phút. Cả 3 mẫu xe trên đều sử dụng hộp số 6 cấp, hệ thống phun xăng điện tử, làm mát động cơ bằng dung dịch.
Kìm hãm sức mạnh cho cả 3 mẫu sportbike là hệ thống phanh đĩa trên 2 bánh. Ngoại trừ R3, Honda và Kawasaki đều trang bị thêm công nghệ chống bó cứng phanh ABS. Một tính năng an toàn khiến nhiều người mua dè chừng khi chọn R3.
Yamaha R3 lợi thế hơn đối thủ về giá và sức mạnh, nhưng kém tính năng an toàn với phanh ABS so với Ninja 300 và CBR300R.
>>Xem Infographic so sánh R3, Ninja 300 và CBR300R
>>Video chạy thử Yamaha R3 tại Hà Nội
Lương Dũng