Hai con sư tử bằng đồng, mỗi con ngồi lên tám đồng xu may mắn tại lối vào tòa tháp HSBC Tower cao 45 tầng ở khu Canary Wharf, London với mục đích mang lại sự thịnh vượng, may mắn cho ngân hàng và 8.000 nhân viên làm viên bên trong công trình này. Tuy nhiên, vận mệnh của tòa nhà đang thay đổi thay hướng tệ hơn khi HSBC Holdings - tập đoàn tài chính lớn nhất của Anh rời khỏi đây sau hai thập kỷ gắn bó.
Qatar Investment Authority (QIA) - quỹ đầu tư quốc gia Qatar, chủ tòa nhà có thể gặp khó trong việc tìm khách thuê cần dùng không gian rộng đến hơn 100.000 m2. Dù vậy, hiện tại, không chỉ QIA, nhiều nhà đầu tư bất động sản khác tại London cũng đang phải đối mặt với tình huống tương tự.
Sau đại dịch, tòa tháp 45 tầng, cao 200 m có thể trở thành một câu hỏi hóc búa cho những gì đang ở phía trước tại các thành phố lớn trên toàn cầu trong bối cảnh các doanh nghiệp đều thu hẹp quy mô. Còn HSBC sẽ chuyển đến một trụ sở ở trung tâm London với diện tích bằng một nửa cơ sở cũ.
Triển vọng của những tòa nhà chọc trời này trở nên tồi tệ đến mức một số nhà đầu tư giành lấy cơ hội để phá dỡ chúng. Họ tin rằng vị trí, mảnh đất mà các tòa nhà tọa lạc hiện còn có giá trị cao hơn công trình trên đó. Những khu đất trống sau đó có thể được tái phát triển để xây dựng nhà ở cao tầng - điều rất cần cho các đô thị phát triển và mới nổi. Ví dụ, New York gần đây đã triển khai kế hoạch thay đổi quy hoạch cho khu vực Midtown Manhattan để cho phép nhiều tòa văn phòng được chuyển đổi thành căn hộ.
Còn với HSBC Tower, theo Bloomberg, giải pháp hợp lý nhất là có thể chuyển đổi nó thành chỗ ở cho sinh viên hoặc các đối tượng khác thay vì phá bỏ. Đây có thể là một giải pháp bởi giải quyết được 3 vấn đề của đô thị London. Đầu tiên là nhu cầu dài hạn về văn phòng đã bị giảm vì đại dịch. Thứ hai, Anh đang khủng hoảng nhà ở khi thiếu 4,3 triệu căn hộ. Một ngôi nhà hạng trung tại quốc gia này có giá trị gấp 10 lần mức lương trung bình. Thứ ba, các chủ đầu tư đang được khuyến khích tái sử dụng hoặc tái cấu trúc các tòa nhà thay vì phá bỏ, để giảm thiểu lượng khí thải carbon nặng từ hoạt động xây dựng.
Trước đó, một số tòa nhà tại London đã chuyển đổi thành công như tháp Parker - tòa văn phòng được xây dựng những năm 1960 tại Covent Garden nay trở thành nhà ở sau khi được cải tạo toàn diện. Tòa nhà văn phòng Brutalist cao 20 tầng, ở Croydon cũng đã biến thành 263 căn hộ.
Tuy nhiên, không phải công trình nào cũng có thể dễ dàng chuyển đổi công năng sử dụng, theo Robert Sloss, Giám đốc điều hành của HUB - đơn vị đang chuyển một tòa văn phòng trị giá 39 triệu USD tại London thành căn hộ. "Không phải tòa nhà nào cũng có thể biến thành nhà ở. Đó không phải liều thuốc chữa bách bệnh cho những tòa văn phòng không còn phù hợp", Sloss nói.
Với các tòa nhà văn phòng, mặt ngoài hoàn toàn bằng kính cũng là một vấn đề bởi sẽ rất nóng vào mùa hè. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cũng phải tính đến yếu tố thông gió khi các công trình văn phòng hầu hết là cửa sổ đóng kín, sử dụng hệ thống thông gió trung tâm.
Ben Clifford, Phó giáo sư tại Đại học College London cho rằng HSBC Tower có thể khó chuyển đổi thành nhà ở vì chính quy mô khổng lồ của nó. Còn QIA, chủ HSBC Tower chưa bình luận về vấn đề này. Theo Clifford, HSBC Tower sẽ đơn giản hơn khi chuyển thành không gian phòng thí nghiệm. Điều này cũng phù hợp mục tiêu biến Canary Wharf thành một trung tâm khoa học.
Còn Tim Gledstone, đối tác tại Squire and Partners - công ty có kinh nghiệm chuyển đổi các tòa nhà văn phòng cho rằng vẫn có thể biến HSBC Tower thành căn hộ. Ông ví dụ Walker Tower cao 24 tầng ở New York được xây dựng từ năm 1929, đến năm 2013 sau khi chuyển đổi đã bán được các căn hộ với giá từ 3 triệu đến hơn 50 triệu USD. Các kiến trúc sư đã giải quyết vấn đề trần cao của công trình khi tạo ra các căn hộ có tầng lửng.
Tú Anh (theo Bloomberg)