Trong thời Chiến tranh Cách mạng, một sinh viên người Mỹ chế tạo phương tiện tàu lặn thử nghiệm mà George Washington gọi là "nỗ lực thiên tài". Vào thời kỳ này, Lục quân Lục địa Mỹ thường dựa vào cách đánh du kích để chống lại quân đội Anh. Cả hai bên tạo ra nhiều phát minh để đánh trận, theo National Geographic.
Trong khi theo học Đại học Yale năm 1775, con trai của một người nông dân tên David Bushnell theo dõi diễn biến những ngày đầu của cuộc nổi dậy và hình dung chiến tranh sẽ như thế nào nếu có thể tiến hành dưới nước. Bushnell suy nghĩ không ngừng nghỉ và nảy ra hàng loạt phát minh giúp lực lượng dân quân. Bushnell tin chắc hải chiến sẽ giữ vai trò chủ chốt đối với cuộc cách mạng. Quân đội Anh cũng định sử dụng năng lực thủy chiến để bao vây dân quân và buộc họ đầu hàng. Nhưng Bushnell muốn chiến đấu với tàu Anh theo cách mới, đó là từ dưới nước. Ông bắt đầu chế tạo phương tiện thử nghiệm có thể lặn dưới nước và ở nguyên tại chỗ, cho phép người điều khiển đặt thuốc nổ hẹn giờ để phá hủy tàu bè khác.
Nhiều khả năng Bushnell dựa trên mô tả của những nhà phát minh như Cornelis Drebbel, người tạo ra tàu ngầm hoạt động đầu tiên vào năm 1620. Bushnell cũng dựa vào sự trợ giúp của một số người ủng hộ cách mạng như nhà sản xuất đồng hồ Isaac Doolittle để tạo ra vài thiết bị cần thiết cho cỗ máy mới. Ông hình dung chiếc tàu dạng trống có thể chứa vừa một người điều khiển. Bao quanh người đó là hai mảnh vỏ tàu khiến phương tiện có tên Turtle (Con rùa). Bên trong phương tiện có vỏ làm từ gỗ sồi, người điều khiển sử dụng vật dằn và bơm để làm ngập nửa dưới của tàu bằng nước, khiến nó chìm xuống.
Người điều khiển có khoảng 30 phút hít thở oxy trong khi lái tàu về phía mục tiêu bằng chân vịt quay bằng tay/chân và bánh lái, dựa vào ánh sáng từ cửa sổ để định hướng. Sau khi tiếp cận tàu của kẻ thù, người điều khiển có thể sử dụng công cụ giống khoan thô sơ gắn trên vỏ tàu Turle để khoan một lỗ trên mục tiêu, đặt thuốc nổ hẹn giờ, sau đó chạy ra xa trước khi vũ khí phát nổ mà không bị phát hiện.
Tàu lặn Turtle của Bushnell nhanh chóng thu hút đông đảo sự chú ý, bao gồm nhà khoa học Benjamin Franklin và Benjamin Gale. Ngay cả George Washington cũng nghe nói tới cỗ máy của Bushnell và gọi Turtle là "nỗ lực thiên tài" trong bức thư viết vào năm 1785. Tuy nhiên, phát minh của ông dường như gắn liền với những sự cố.
Tháng 9/1776, khi Bushnell giới thiệu con tàu, theo kế hoạch anh trai của Bushnell là Ezra sẽ trở thành người đầu tiên điều khiển, nhưng ông bị ốm vào đúng đêm làm nhiệm vụ và không thể tham gia. Thay vào đó, sĩ quan Ezra Lee cẩn thận điều khiển tàu Turtle mang thuốc súng về phía chiến hạm HMS Eagle của Anh ở cảng New York vào đêm ngày 6/9/1776. Nhưng do vỏ chiến hạm được gia cố kim loại dày phía dưới thay vì gỗ, ông không thể khoan xuyên qua nên buộc phải bỏ qua mục tiêu và lái tàu trở lại đất liền. Tàu Turtle thất bại nhưng Ezra Lee vẫn kịp thả lại những quả bom nhằm đánh lạc hướng khi bị kẻ thù phát hiện.
Dù Turtle thực hiện thêm vài nhiệm vụ nữa, nhiều vấn đề từ thủy triều tới lỗi điều khiển khiến con tàu luôn thất bại. Cuối cùng, vào tháng 10/1776, tàu Turtle bị chìm cùng với tàu vận chuyển. Các sử gia cho rằng dân quân có thể trục vớt phương tiện, nhưng không rõ kết cục của nó. Dù vậy, Bushnell đã mở ra khả năng chiến đấu dưới nước, đặt nền móng cho ngư lôi, mìn hẹn giờ và sử dụng tàu chạy bằng chân vịt.
An Khang (Theo National Geographic)