Trong phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng và đồng phạm về tội Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài, ngày 7/1 có mặt với vai trò nhân chứng, cựu cục trưởng Hàng hải Dương Chí Dũng bất ngờ khai ra người gọi điện thoại mật báo tin ông ta bị khởi tố là một thứ trưởng. Đại diện VKS sau đó đã đề nghị HĐXX khởi tố vụ án hình sự "cố ý làm lộ bí mật công tác" theo Điều 286 Bộ luật hình sự.
Căn cứ lời khai của Dương Chí Dũng cùng các bị cáo..., cho rằng thông tin điều tra tiêu cực tại Vinalines thuộc loại tuyệt mật, HĐXX đã khởi tố vụ án "cố ý làm lộ bí mật nhà nước" theo Điều 263. Mức hình phạt với người phạm tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước có thể lên tới 15 năm tù, cao hơn nhiều so với mức hình phạt 7 năm tù của tội cố ý làm lộ ý mật công tác.
Quyết định này cho thấy sự cương quyết của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc phát hiện và xử lý tội phạm, giữ nghiêm kỷ cương của Nhà nước, không bỏ lọt tội phạm. Bí mật nhà nước được hiểu là những tin tức, tài liệu có nội dung quan trọng mà Nhà nước không công bố hoặc chưa công bố và nếu bị tiết lộ thì sẽ gây nguy hại cho đất nước. Trong khi đó, bí mật công tác có phạm vi hẹp hơn. Quá trình điều tra vụ án “cố ý làm lộ bí mật nhà nước” phải căn cứ nhiều chứng cứ khác bởi nếu chỉ có lời khai của Dương Chí Dũng thì chưa đủ để chứng minh cho việc có hay không việc thông tin mật báo.
Tình huống đặt ra, nếu cơ quan điều tra chứng minh có việc báo tin thì Dương Chí Dũng có thể được giảm nhẹ hình phạt không? Câu trả lời là có thể vì những lời khai chi tiết, cụ thể của Dương Chí Dũng đã giúp phát hiện tội phạm mới. Do đó, tại phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ Vinalines sắp tới, tình tiết “khai báo thành khẩn” và “tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm” chưa được xem xét tại phiên sơ thẩm sẽ này có thể trở thành căn cứ giảm án cho Dương Chí Dũng.
Tuy nhiên, giả sử phiên tòa phúc thẩm vẫn y án tử hình với Dương Chí Dũng, nhưng cuộc điều tra về "người mật báo" vẫn chưa đi đến hồi kết thì sẽ giải quyết thế nào? Vấn đề này đã được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 58 Luật thi hành án hình sự. Theo đó, “Hội đồng thi hành án tử hình quyết định hoãn thi hành án tử hình trong trường hợp sau:... Ngay trước khi thi hành án người chấp hành án khai báo những tình tiết mới về tội phạm”. Gần 20 năm trước, bị án Siêng Phênh trước giờ ra pháp trường đã khai ra Vũ Xuân Trường và một số cán bộ công an dính líu đến đường dây buôn bán ma túy. Lời khai của Siêng Phênh đã mở ra một vụ án lớn khác và sau đó Siêng Phênh đã được tha tội chết.
Cũng theo quy định tại khoản 4 Điều 58 Luật thi hành án hình sự: "Trường hợp thi hành án theo quy định tại điểm b và c khoản 1 Điều này mà lý do hoãn không còn thì Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án yêu cầu Hội đồng thi hành án tiếp tục thực hiện việc thi hành án”. Như vậy, trong trường hợp này, việc áp dụng án tử hình với Dương Chí Dũng sẽ được hoãn cho tới khi vụ án “cố ý làm lộ bí mật công tác” được giải quyết (có kết luận của Cơ quan điều tra là không có hành vi phạm tội hoặc có bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật).
Ngược lại, nếu cơ quan điều tra kết luận không có hành vi “mật báo” cũng như nhận tiền hối lộ, Dương Chí Dũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật” theo Điều 307 Bộ luật Hình sự.
Cũng có giả thiết được đặt ra, nếu gia đình ông Dũng nộp tiền bồi thường thì ông Dũng có bị thi hành án tử hình hay không? Điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự quy định “người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả” được xem xét là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Tại điểm đ khoản 1.1 Điều 1 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự cũng nêu rõ: “Bị cáo không có tài sản để bồi thường nhưng đã tích cực tác động, đề nghị cha, mẹ hoặc người khác (vợ, chồng, con, anh, chị, em, bạn bè...) sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả và những người này đã thực hiện việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra” thì cũng được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nêu trên.
Việc khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại được thực hiện trước khi diễn ra phiên tòa, hoặc trước khi HĐXX nghị án thì đều được tính để xem xét. Thông thường, trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, nếu người vi phạm khắc phục được ít nhất 1/3 số thiệt hại gây ra mà chứng minh được họ cũng đã làm hết khả năng thì HĐXX cũng có thể lấy đó làm căn cứ để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Với những phân tích trên, theo phán đoán của tôi, khả năng Dương Chí Dũng bị tử hình là không lớn.
Thạc sĩ luật Phạm Thanh Bình