Đó là những căn lều rộng rãi, sáng bóng, với bếp và phòng tắm, đầy đủ điện nước, có cả đĩa thu tín hiệu vệ tinh - những tiện nghi mà đất nước châu Phi nghèo đói này rất hiếm thấy.
Với những cô gái Congo sống trong các khu trại bẩn thỉu hay ở tạm trong những toà nhà bị bỏ lại, lính gìn giữ hoà bình là những người đàn ông giàu có mà họ muốn biết.
Mặc dù chiến tranh đã chính thức kết thúc năm 2003, cuộc sống ở Congo vẫn đầy rẫy bạo lực và bất ổn, đặc biệt là ở khu vực Ituri, nơi 7 nhóm du kích vẫn đang tham chiến. Tại Bunia, người dân tóm lấy bất kỳ cơ hội tồn tại nào. Những cậu bé mồ côi ngủ trong máng nước bẩn thỉu. Một sinh viên y khoa đi bán rong thịt khô để kiếm tiền trả học phí. Các em gái và phụ nữ cầu xin nhân viên nước ngoài cho họ làm bất kỳ việc gì - giặt giũ, đánh giày, sửa chữa đường nước thậm chí là bán thân - chỉ để lấy vài đồng bạc lẻ.
"Lạm dụng luôn bắt nguồn từ mối quan hệ không công bằng. Ở đây quá đói nghèo, và người nước ngoài vào mang theo nhiều tiền", Kemal Saiki, đại diện phái đoàn Liên Hợp Quốc tới thăm Bunia từ trụ sở tại Kinshasa, nhận xét. "Đó là công thức cho những gì xảy ra nếu chúng ta không có chính sách cụ thể".
Tuy nhiên, ngay cả nếu Liên Hợp Quốc áp đặt thiết quân luật với các binh lính và tiến hành chính sách nghiêm khắc với dân bản địa, thì các cô gái vẫn cứ lượn lờ bên ngoài các trại Liên Hợp Quốc.
Chantal, 17 tuổi, đứng rầu rĩ bên ngoài một trại lính Marốc, chộp lấy nải chuối. Em đang vươn người về phía cửa sổ trại để hỏi han các binh lính Liên Hợp Quốc. "Với chúng cháu, họ là những ông chủ tốt nhất thành phố", Chantal vừa nói vừa nhún vai. "Cháu biết ai cũng khẳng định việc đó là xấu. Nhưng tại sao họ không đến mà cho chúng cháu việc làm? Cho cháu biết đi, ai sẽ cho cháu ăn?".
Về phần mình, các binh lính Marốc khẳng định các hành vi bất hợp pháp mà trước đây có thể diễn ra giờ đã không còn. Gần đây, hai sĩ quan chỉ huy bị thải hồi và 6 binh sĩ bị đưa về nước để truy tố sau khi họ bị phát hiện mua bán dâm với những em gái nhỏ tuổi sở tại. Ngoài ra, căng thẳng còn xảy ra giữa thiểu số binh sĩ mua dâm và đa số không làm vậy.
"Là con người, tôi thấy ở đây quá nghèo đói, và có thể một số người lợi dụng tình hình này", trung uý Charaf Arsalane, 23 tuổi, nói. "Nhưng tôi cảm thấy thực sự bị ảnh hưởng. Chúng tôi tới đây làm việc vất vả, và một vài người huỷ hoại uy tín của tất cả. Phải chấm dứt hoàn toàn chuyện này, và không được tiếp xúc với các cô gái đến trại".
Tuy nhiên, ngay cả như vậy, Chantal và Yvette cho biết sẽ trở lại các trại Liên Hợp Quốc khi hết lương thực. "Thực tế là nhiều em gái bán dâm khi chiến tranh ở trong thời kỳ tồi tệ nhất năm 2003, và họ làm vậy chủ yếu với binh lính Liên Hợp Quốc vì những người này có tiền", Antoine Tambwe, bác sĩ nhi khoa người Congo làm việc trong bệnh viện của Chữ Thập Đỏ, nói.
Nhiều em nói với Tambwe rằng chúng rất hối tiếc vì đã làm như vậy, một số vụ mua bán diễn ra trong ôtô Liên Hợp Quốc, nhưng chúng quá đói. "Đôi khi nhiều lính Liên Hợp Quốc quan hệ tình dục với một em gái trong một đêm, và em đó sẽ nhận 1 USD từ mỗi người. Đó không phải là hãm hiếp, mà là khai thác trẻ em. Thật buồn, nhưng đây là thực tế", bác sĩ cho biết.
Nguyễn Hạnh (theo Washington Post)
Phần 1