Hàng năm, hàng trăm triệu khách du lịch háo hức với những dự định, thực hiện hàng tỷ chuyến khám phá thế giới. Nhưng đột nhiên Covid-19 xuất hiện, cả thế giới chao đảo. Các quốc gia nhanh chóng đóng cửa biên giới để kiểm soát dịch bệnh. Thế vận hội Mùa hè tại Tokyo bị hoãn. Tàu du lịch tuyệt vọng tìm bến cảng chấp nhận khách nhập cảnh. Sân bay khắp thế giới gần như trống rỗng. Các khu nghỉ mát ven biển vắng tanh. Hàng vạn công viên giải trí hoá thành địa điểm "ma".
Bóng đen nCoV
Covid-19, cách ly, xét nghiệm... nhanh chóng trở thành những từ quen thuộc. Hàng tỷ người phải ở nhà thực hiện giãn cách xã hội. Vô số người chán nản vì không biết bao giờ mới có thể đi lại hay lên máy bay thoải mái như xưa. Nhân sự ngành du lịch tuyệt vọng.
Ya-Yen Sun, giảng viên cao cấp tại Trường Kinh doanh của Đại học Queensland (Australia), nhận định các quốc gia phụ thuộc vào ngành du lịch chịu thiệt hại nặng nề. "Chúng tôi biết du lịch là một trong những ngành kinh tế lớn nhất trên thế giới, đóng góp khoảng 10% GDP toàn cầu và 1/10 lao động trên thế giới làm việc có liên quan đến du lịch", Sun nói.
Tại những nơi du lịch chiếm một nửa GDP như Aruba hay Maldives, nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, nhiều người thất nghiệp, thu nhập giảm. Sun cũng chỉ ra rằng rất nhiều công việc trong ngành du lịch do phụ nữ, thanh niên và người có thu nhập thấp đảm nhiệm. Khi thế giới đột ngột ngừng lại, những đối tượng dễ bị tổn thương lâm vào cảnh thất nghiệp, mất thu nhập...
'Điểm sáng' của đại dịch
Tuy nhiên, Covid-19 không chỉ đem lại toàn tin tức tiêu cực. Bởi, nhân loại bắt đầu thấy những thay đổi bất ngờ khi thế giới ngừng dịch chuyển. Nghiên cứu mới nhất từ Đại học Sydney vào tháng 7 chỉ ra, những lệnh hạn chế đi lại giúp tổng số lượng khí thải toàn cầu giảm 4,6% - mức giảm lớn nhất lịch sử.
Tại những thành phố có chất lượng không khí thường xuyên ở mức xấu như Los Angeles (Mỹ), bầu trời trong xanh hơn. Cá bơi từng đàn dưới kênh đào ở Venice (Italy) khi khách du lịch biến mất. Mọi người cảm thấy vui khi nghe thấy tiếng chim hót giữa thành phố. Rùa hiếm lên bờ đẻ trứng ở Thái Lan nhiều hơn...
Thế khó của nền kinh tế
Arunima Malik thuộc Trường Kinh doanh và Vật lý của Đại học Sydney (Australia) đánh giá: "Chúng ta đang trải qua cú sốc kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ cuộc Đại suy thoái, đồng thời đạt mức giảm phát thải khí nhà kính lớn nhất kể từ khi con người bắt đầu đốt nhiên liệu hóa thạch". Nhưng những cú sốc tài chính trong quá khứ cho thấy, nếu không thay đổi về cấu trúc, lợi ích về môi trường khó có thể bền vững khi phục hồi nền kinh tế.
Nhân loại đang đứng trước một tình thế tiến thoái lưỡng nan, khi phải lựa chọn giữa: du lịch và việc làm, hay môi trường và sức khỏe. Liệu có cách nào phục hồi nền kinh tế mà ít tác động đến môi trường?
Theo Jennie Germann Molz, giáo sư xã hội học và nhân chủng học tại Đại học Holy Cross ở Worchester, Massachusetts (Mỹ), con người có thể vực dậy ngành du lịch một cách thân thiện với môi trường. Ví dụ, ngày nay có rất nhiều cải tiến công nghệ ra đời để giảm khí thải của ngành hàng không tới môi trường. Emirates có chươnng trình tối ưu hoá nhiên liệu toàn diện giúp giảm khoảng 120.000 tấn CO2 thải ra môi trường một năm. Một nghiên cứu từ Đại học Hoàng gia London đang tìm hiểu, liệu thay đổi độ cao của máy bay có thể giúp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Hay hãng Delta Airlines "bù đắp" lượng khí thải carbon từ máy bay bằng các dự án trồng cây.
Còn với ngành du thuyền, báo cáo năm 2019 trên CNN chỉ ra Carnival Corporation, công ty điều hành 10 hãng du lịch, thải ra số lượng ôxít lưu huỳnh quanh bờ biển châu Âu gần gấp 10 lần so với 260 triệu ôtô ở lục địa này. Đó là lý do ngành công nghiệp này tìm cách đổi mới công nghệ để đạt kết quả tích cực. Carnival cho biết năm 2020, họ đang nỗ lực giảm lượng khí thải bằng cách vận hành tàu du lịch thứ hai trên thế giới chạy bằng khí đốt tự nhiên hóa lỏng, và đầu tư vào công nghệ pin.
Hiệp hội các hãng tàu du lịch quốc tế cho biết sẽ đầu tư vào các nhà máy xử lý nước thải trên tàu và các lớp phủ công nghệ cao, thiết kế giảm lực cản của nước và tiết kiệm nhiên liệu. Họ cũng cam kết có 25 tàu chạy bằng khí đốt tự nhiên hóa lỏng cho đến năm 2030. Một số nơi trên thế giới, mọi người đang dần thay tàu bằng phà để chở khách.
Nhưng câu hỏi ở đây là tại sao lại chỉ tập trung vào ngành này khi hàng không chỉ chiếm 2% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Đáp án chính là tốc độ tăng trưởng của nó. Hiện tại, con số 2% đã thành 5%. Mọi người có xu hướng đi du lịch thường xuyên và xa hơn - nên máy bay là lựa chọn tối ưu.
Nhưng những nỗ lực trên đến nay vẫn chỉ có hiệu quả nhất định. "Chúng tôi luôn nghĩ rằng công nghệ có thể bù đắp, nhưng thực sự nó không giúp bảo vệ môi trường đáng kể. Máy bay cần ít năng lượng hơn, nhưng lại phải bay thường xuyên hơn", giảng viên Sun cho biết. Và do đó, không có giải pháp nào dễ dàng cho vấn đề phát triển du lịch, kinh tế mà không tác động đến môi trường.
Câu hỏi được đặt ra tiếp theo là nếu hai ngành trên là nhân tố ảnh hưởng nhất đến môi trường trong ngành du lịch, vậy chúng ta có cần từ bỏ máy bay và du thuyền không? Câu trả lời ngắn gọn từ Bruce Poon Tip, người sáng lập công ty du lịch G Adventures có trụ sở tại Toronto (Canada) là: "Không. Tôi nghĩ rằng du lịch là một món quà tuyệt vời".
Còn theo giảng viên Sun, giải pháp tốt nhất không phải là yêu cầu các công ty hàng không giảm lượng khí thải, mà là chiến lược hướng người tiêu dùng tới các phương tiện giao thông đường bộ. Peter Miller, một nhà khoa học tại Hội đồng Quốc phòng Tài nguyên Thiên nhiên, cho biết đi máy bay là một trong những phương thức tạo ra khí thải carbon nhiều nhất. Với chặng đường vừa phải, lái xe là lựa chọn đáng ưu tiên hơn cả nếu bạn có một chiếc xe tiết kiệm xăng. Xe lửa là phương án thứ hai, sau cùng mới là máy bay.
Lượng khí thải carbon cũng sản sinh từ quá trình sản xuất lương thực. Vì vậy, chúng ta có thể cân nhắc nhiều bữa ăn chay hơn trong các chuyến đi, vì việc sản xuất thịt ngày càng ảnh hưởng khắc nghiệt đối với môi trường.
Du lịch sẽ như thế nào sau Covid-19?
Anh Minh (Theo CNN)