Thứ năm, 23/1/2025
Thứ năm, 20/7/2017, 12:44 (GMT+7)

Số phận của những cầu thủ Tây Ban Nha khoác áo Chelsea

Có người thành công, có kẻ thất bại, nhưng điểm chung của các cầu thủ Chelsea gốc Tây Ban Nha là sự bất ổn.

Không phải cầu thủ Tây Ban Nha đầu tiên khoác áo Chelsea nhưng Albert Ferrer được tính là người mở ra kỷ nguyên Tây Ban Nha tại Stamford Bridge khi chơi cho đội bóng thành London năm mùa, kể từ năm 1998. Ferrer là thành viên của "Dream Team" Barca thời Johan Cruyff, từng giành Cup C1 và C2. Ông là trụ cột của Chelsea trong ba mùa đầu tiên, giúp CLB đoạt Cup FA năm 2000. Dù vậy, với sự cạnh tranh từ thế hệ John Terry, Ferrer chỉ ra sân bảy lần trong hai mùa cuối, trước khi quyết định treo giày.

Bàn duy nhất Albert Ferrer ghi trong màu áo Chelsea
 
 

Bàn duy nhất của Albert Ferrer trong màu áo Chelsea. 

Trong mùa cuối cùng của Albert Ferrer ở Chelsea, đội bóng này trình làng một cầu thủ Tây Ban Nha nữa, Enrique De Lucas, cựu cầu thủ Espanyol. Tuy nhiên tiền vệ sinh năm 1978 bị ngợp trước lối chơi thể lực của Ngoại hạng Anh, không để lại nhiều ấn tượng, chỉ ghi một bàn dù được đá chính khá nhiều. Anh rời Stamford Bridge ngay sau mùa giải 2002-2003.

Bàn duy nhất Enrique de Lucas ghi trong màu áo Chelsea
 
 

Enrique de Lucas ghi bàn duy nhất trong màu áo Chelsea. 

Cũng chịu số phận một mùa như De Lucas còn có Asier Del Horno, người được Jose Mourinho giới thiệu là hậu vệ trái hay nhất Tây Ban Nha thời điểm được mua về (hè 2005). Cựu cầu thủ Athletic Bilbao nghiễm nhiên giành suất đá chính, khởi đầu hứa hẹn nhưng đuối sức dần vào cuối mùa. Chiếc thẻ đỏ sau pha phạm lỗi với Lionel Messi khiến Chelsea thua 1-2 ở lượt đi vòng 1/8 Champions League là giọt nước làm tràn ly khiến Del Horno phải ra đi không kèn không trống.

Del Horno phạm lỗi thô bạo với Messi
 
 

Del Horno vào bóng thô bạo với Messi ở Champions League. 

Phận bấp bênh của các sao Tây Ban Nha tại Chelsea được nối dài bởi cái tên Fernando Torres. Là kỷ lục chuyển nhượng của CLB vào đầu năm 2011, nhưng cựu cầu thủ Liverpool không tài nào thể hiện được phong độ như khi còn khoác áo đội bóng thành phố Cảng. Anh mất 14 trận mới có bàn đầu tiên cho Chelsea. Dù được HLV Carlo Ancelotti, Andre Villas-Boas, Roberto Di Matteo, Rafa Benitez thay nhau dìu dắt, "El Nino" vẫn bị áp lực của hợp đồng 59 triệu đôla. Hè 2014, Torres kết thúc chuyến phiêu lưu cùng Chelsea bằng việc được cho mượn sang AC Milan, và sau đó là Atletico Madrid.

Torres bỏ lỡ Man Utd
 
 

Pha bỏ lỡ khó tin của Torres trong trận gặp Man Utd.

Đến Chelsea hè 2011, Oriol Romeu được ví von là viên ngọc thô của lò La Masia. Tuy nhiên, anh tỏ ra non nớt và không thể khẳng định được bản thân trong giai đoạn Chelsea thay tướng liên tục. Tiền vệ đánh chặn chìm nghỉm giữa dàn sao Frank Lampard, Eden Hazard, Juan Mata hay Obi Mikel, Ramires và lưu lạc sang Valencia rồi Stuttgart dưới dạng cho mượn. Hè 2015, Romeu cắt duyên với Chelsea bằng hợp đồng chuyển sang Southampton.

Tài nghệ của Oriol Romeu
 
 

Tài nghệ của Romeu. 

Gia nhập Chelsea cùng Romeu, dưới tư cách cầu thủ hay nhất vòng chung kết U21 châu Âu năm 2011, Juan Mata nhanh chóng trở thành trụ cột sân Stamford Bridge và giúp đội bóng vô địch Champions League ngay mùa đầu tiên. Mùa 2012-2013, cựu cầu thủ Valencia chơi thậm chí còn hay hơn và được CĐV Chelsea bình chọn là cầu thủ hay nhất mùa. Dù vậy, sự có mặt của Mourinho hè 2013 đã kết thúc sớm hành trình của Mata ở London. Anh trở thành dự bị cho Hazard và chuyển sang Man Utd vào kỳ chuyển nhượng mùa đông.

Juan Mata best Chelsea
 
 

 

Có xuất phát điểm bình thường khi gia nhập Chelsea nhưng Cesar Azpilicueta lại là bước ngoặt cho "dòng chảy" Tây Ban Nha tại Stamford Bridge. Trước khi cựu cầu thủ Marseille xuất hiện, cầu thủ xứ bò tót thường thất bại. Ngược lại, kể từ hè 2012, các sao Tây Ban Nha lại thành công ở London. Azpicueta cũng không ngoại lệ. Anh thích ứng với mọi đòi hỏi của các đời HLV, từ hậu vệ phải, hậu vệ trái, đến cả trung vệ và tiền vệ trung tâm. Dưới năm đời HLV, Azpicueta luôn là lựa chọn tin cậy ở hàng phòng ngự.

Cesc Fabregas gây tranh cãi khi phản lại lời hứa với Arsenal, đầu quân cho Chelsea ngay trước thềm World Cup 2014. Dù gặp nhiều chỉ trích, cựu cầu thủ Barca đã chơi bùng nổ ngay mùa đầu, giúp đội nhà vô địch Ngoại hạng Anh. Trong hai mùa gần đây, vai trò của Fabregas giảm sút nhưng anh vẫn thể hiện tích cực mỗi khi được tung vào sân. Mùa 2016-2017, anh vẫn có 12 đường kiến tạo thành bàn dù chỉ đá chính 13 trận, đồng thời giúp Chelsea vô địch Ngoại hạng Anh hai lần trong ba năm.

Đến Chelsea cùng tháng cùng năm với Fabregas là Diego Costa. Bộ đôi này hợp thành cặp song sát đáng sợ trên hàng công khi một người là máy làm bàn, còn người kia lùi sâu kiến tạo. Cả hai mùa Chelsea vô địch, Costa đều ghi 20 bàn, nằm trong nhóm những chân sút hàng đầu nước Anh, và là tiền đạo chủ lực của CLB. Dù vậy, tương lai của cựu cầu thủ Atletico đang không rõ ràng khi bị Antonio Conte loại khỏi kế hoạch chuẩn bị cho mùa giải 2017-2018.

Diego Costa best goals Chelsea
 
 

 

Pedro cập bến Chelsea hè 2015. Cựu cầu thủ Barca có lẽ là định nghĩa chuẩn xác nhất cho sự bấp bênh của những cầu thủ Tây Ban Nha ở Tây London. Mùa 2015-2016, Pedro chơi phập phù và góp một phần lỗi khiến Chelsea kết thúc mùa giải ở giữa bảng xếp hạng. Nhưng sang mùa 2016-2017, anh trở lại ngoạn mục. Dưới sự dìu dắt của Antonio Conte, Pedro hợp với Costa và Hazard thành bộ ba tấn công đáng sợ của Chelsea.

Mới thi đấu ở đội một của Chelsea một mùa nhưng Marcos Alonso đã được xếp vào danh sách những hậu vệ trái hay giải Ngoại hạng Anh. Tốc độ, thể lực cùng khả năng lên công về thủ nhịp nhàng của cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo Castilla giúp Alonso có sự tin tưởng tuyệt đối của HLV Conte. Anh là mảnh ghép không thể thiếu, trong đội hình vô địch Ngoại hạng Anh mùa 2016-2017.

Marcos Alonso
 
 


Thắng Nguyễn