Thứ ba, 21/1/2025
Thứ ba, 24/9/2024, 11:10 (GMT+7)

Số phận của 10 ngôi sao bóng đá Việt Nam từng xuất ngoại

Nguyễn Công Phượng rời Yokohama FC về nước đánh dấu việc không còn cầu thủ Việt Nam nào thi đấu ở nước ngoài.

Nguyễn Công Phượng từng khoác áo bốn CLB nước ngoài – nhiều nhất Việt Nam. Tuy nhiên, anh không để lại dấu ấn khi ít được thi đấu và không có bàn thắng hay kiến tạo.

Tháng 12/2015, Phượng ký hợp đồng với Mito Hollyhock, nhưng chấn thương nặng ở vòng chung kết U23 châu Á 2016 khiến anh lỡ giai đoạn đầu mùa để hoà nhập. Ngày 7/5/2016, Công Phượng ra mắt ở phút 87, trong trận hoà Giravanz Kitakyushu 1-1 ở J-League 2 (J2). Sau đó, anh chơi thêm bốn trận ở J2, với tổng cộng 77 phút.

Tiền đạo sinh năm 1995 trở lại HAGL và ghi 19 bàn ở V-League 2017 và 2018. Sau khi cùng Việt Nam vào tứ kết Asian Cup 2019, Công Phượng xuất ngoại lần hai, sang Incheon United ở K-League 1 (K1) với hợp đồng một năm. Tuy nhiên, anh sớm chia tay sau bốn tháng, với tám trận và 352 phút. Đến kỳ chuyển nhượng hè, anh sang Bỉ thi đấu cho Sint-Truidense mùa 2019-2020, nhưng chỉ đá 20 phút trong trận thua Club Brugge 0-6 ở Giải vô địch quốc gia.

Công Phượng trở về Việt nam thi đấu cho CLB TP HCM hết mùa 2020, rồi trở lại HAGL. Hết mùa 2022, tiền đạo gốc Nghệ An kết thúc hợp đồng với HAGL nên sang Nhật Bản chơi cho Yokohama FC, với bản hợp đồng ba năm, nhưng không được thi đấu ở J1 rồi J2.

Tháng 4/2023, tiền đạo Việt Nam ra mắt khi đá ba phút bù trận thua Nagoya Grampus 2-3 ở J-League Cup 2023. Cũng ở giải này năm 2024, Phượng đá thêm hai trận với 84 phút, trước khi chính thức rời đội ngày 14/9. Một tuần sau, anh chính thức gia nhập đội hạng Nhất Bình Phước.

Ngoài Công Phượng, làn sóng xuất ngoại cầu thủ Việt Nam rộ lên từ năm 2015 với các cầu thủ lứa một HAGL, còn có tiền vệ Lương Xuân Trường. Tháng 12/2015, anh trở thành cầu thủ Việt Nam đầu tiên thi đấu tại K1 khi gia nhập Incheon United bằng hợp đồng hai năm, nhưng chỉ chơi một mùa, với 251 phút sau bốn trận. Năm 2017, Trường chuyển đến Gangwon, thi đấu hai trận ở K1 và một trận FA Cup, với 152 phút.

Sau khi thi đấu cho HAGL mùa 2018, Xuân Trường tiếp tục xuất ngoại vào năm 2019, nhưng điểm đến lần này là CLB hàng đầu Thái Lan Buriram United. Anh ghi một bàn sau sáu trận (258 phút) ở Thai League 1, kiến tạo một bàn sau ba trận (58 phút) ở AFC Champions League – giúp tiền đạo Thái Lan Suphanat Mueanta trở thành cầu thủ trẻ nhất lịch sử giải ghi bàn.

Xuân Trường rời Buriram sau nửa mùa, để trở lại thi đấu cho HAGL. Sau khi hết hợp đồng năm 2022, tiền vệ gốc Tuyên Quang đến Hải Phòng. Giữa mùa 2023-2024, anh gia nhập Hà Tĩnh.

Cũng trong tháng 12/2015, lứa HAGL có tiền vệ Nguyễn Tuấn Anh chuyển đến Yokohama FC ở J2. Anh chơi một mùa, ghi một bàn sau hai trận tại Cup Hoàng đế 2016.

Từ mùa 2017, anh thi đấu cho HAGL, đến giữa mùa 2023/2024 thì tới Nam Định cho đến hiện tại. Nhiều chấn thương, bao gồm đứt dây chằng hai đầu gối khiến sự nghiệp của Tuấn Anh không phát triển như ý.

Cầu thủ cuối cùng lứa một HAGL xuất ngoại là Nguyễn Văn Toàn. Ngày 4/1/2023, anh gia nhập Seoul E-Land sau tám năm thi đấu cho HAGL. Toàn chơi 388 phút sau chín trận K2, kiến tạo một bàn sau hai trận tại FA Cup. Anh rời đội vào tháng 9/2023 để thi đấu cho Nam Định đến nay.

Trừ Công Phượng và Xuân Trường, những đồng đội ở HAGL nổi bật khác đều đã vô địch V-League, gồm Vũ Văn Thanh với Công an Hà Nội mùa 2023, còn Tuấn Anh, Văn Toàn, Hồng Duy với Nam Định mùa 2023-2024.

Trước lứa HAGL, Lê Huỳnh Đức là cầu thủ tiên phong xuất ngoại. Năm 2001, cựu tiền đạo sinh năm 1972 rời CLB Công an TP HCM để đến Chongqing Lifan, ghi một bàn sau bốn trận ở giải vô địch Trung Quốc. Một năm sau, Huỳnh Đức về nước chơi cho Ngân hàng Đông Á (2002-2003), Đà Nẵng (2004-2007) rồi giải nghệ.

Từ năm 2008 đến 2021, Huỳnh Đức làm HLV trưởng Đà Nẵng. Một năm sau, ông làm Giám đốc kỹ thuật Sài Gòn FC (đã giải thể), trước khi dẫn dắt HLV Bình Dương giai đoạn 2023-2024.

Tám năm sau đàn anh Huỳnh Đức, Lê Công Vinh trở thành cầu thủ thứ hai xuất ngoại, khi chuyển từ Hà Nội T&T (nay là Hà Nội FC) đến Leixoes ở giải vô địch Bồ Đào Nha (từ tháng 9 đến tháng 12/2009). Ngày 4/10, cựu tiền đạo sinh năm 1985 chơi trọn vẹn trận thắng Uniao de Leiria 3-2, để trở thành cầu thủ Việt Nam đầu tiên chơi ở hạng cao nhất tại châu Âu. Sau đó, anh chơi thêm một trận với 26 phút ở giải VĐQG, rồi ghi bàn mở tỷ số trong trận thắng Casa Pia AC 2-1 ở Cup Quốc gia.

Trở lại Việt Nam, Công Vinh thi đấu tiếp cho Hà Nội hai mùa rồi về SLNA. Tháng 7/2013, anh đến Consadole Sapporo ở J-League 2 theo hợp đồng cho mượn bốn tháng. Anh ghi hai bàn sau 377 phút thi đấu ở chín trận J2, chơi một trận với 36 phút ở Cup Hoàng đế. Consadole đứng thứ tám tại J2 và lỡ cơ hội vào vòng play-off thăng hạng lên J1.

Sau đó, Công Vinh thi đấu tiếp cho SLNA mùa 2014, rồi gia nhập Bình Dương trước khi giải nghệ sau AFF Cup 2016. Anh đang nắm giữ kỷ lục cầu thủ nội ghi nhiều bàn nhất V-League (116 bàn), tuyển thủ thi đấu nhiều nhất (83 trận) và ghi nhiều bàn nhất (51 bàn) cho ĐTQG. Tháng 9/2024, Công Vinh đăng ký lớp học bằng C của LĐBĐ châu Á và VFF.

Đặng Văn Lâm là thủ môn Việt Nam đầu tiên xuất ngoại, khi chơi cho CLB Lào Hoàng Anh Attapeu một mùa 2012 rồi phiêu bạt ở các CLB nghiệp dư Nga. Đến năm 2015, Văn Lâm trở lại Việt Nam khoác áo Hải Phòng.

Chức vô địch AFF Cup 2018 và vào tứ kết Asian Cup 2019 góp phần giúp Văn Lâm gia nhập CLB Thai League 1 Muangthong United, từ tháng 1/2019. Anh bắt chính toàn bộ 30 trận ở Giải VĐQG, giúp đội đứng thứ năm. Đến mùa 2020, Văn Lâm bắt thêm 12 trận trước khi giải tạm hoãn vì dịch Covid-19. Tháng 1/2021, anh đơn phương chấm dứt hợp đồng với Muangthong, bị CLB kiện nhưng FIFA ra phán quyết không bên nào phải đền bù hợp đồng.

Thủ môn sinh năm 1993 chuyển đến Cerezo Osaka, trở thành cầu thủ Việt Nam đầu tiên thi đấu tại J-League 1. Tuy nhiên, anh không cạnh tranh được suất bắt chính, chỉ thi đấu hai trận, ở Cup Hoàng đế và vòng bảng AFC Champions League 2021. Giữa mùa 2022, Văn Lâm về Việt Nam thi đấu cho Bình Định. Đến đầu mùa này, anh chuyển xuống hạng Nhất chơi cho Thanh niên TP HCM.

Tháng 9/2019, Đoàn Văn Hậu được Hà Nội FC cho CLB Hà Lan Heerenveen mượn một năm. Anh chỉ chơi một trận chính thức tại Cup quốc gia, khi vào sân ở phút bù trận thắng Roda JC 2-0. Sau đó, Văn Hậu chỉ ngồi dự bị, với 16 trận ở giải VĐQG, bốn trận ở Cup QG.

Hết mùa 2019-2020, Văn Hậu trở lại Hà Nội, chỉ chơi hai trận trước khi nghỉ dài vì chấn thương sụn chêm đầu gối. Tháng 6/2021, anh thi đấu ba trận ở vòng loại hai World Cup 2022 tại UAE, rồi tái phát chấn thương và nghỉ tiếp đến tháng 7/2022. Sau khi cùng Hà Nội giành cú đúp vô địch V-League và Cup QG 2022, Văn Hậu sang Công an Hà Nội, nhưng đến tháng 8/2023 lại gặp chấn thương gót chân và chưa trở lại thi đấu.

Quả bóng vàng Việt Nam 2018 Nguyễn Quang Hải sang Pháp gia nhập Pau FC vào tháng 6/2022, theo hợp đồng có thời hạn hai năm. Tuy nhiên, tiền vệ sinh năm 1997 không thể thích ứng với môi trường Ligue 2, dần biến mất ở đội một kể từ tháng 2/2023.

Cả mùa, Quang Hải thi đấu 13 trận, với 268 phút – trung bình 20,6 phút mỗi trận, ghi một bàn. Lần gần nhất anh vào sân cho đội một là 10 phút cuối trận thua 0-1 Laval ngày 18/2 tại Ligue 2. Sau đó, tiền vệ 26 tuổi chơi bảy trận với 579 phút cho Pau B tại National 3 – giải hạng Năm.

Ngày 30/6/2023, Quang Hải thôi hợp đồng với CLB Pháp sớm một năm, rồi về nước đầu quân cho Công an Hà Nội đến nay

Cầu thủ Việt Nam tạo ấn tượng về chuyên môn ở châu Âu lớn nhất là Huỳnh Như, khi chơi cho CLB Bồ Đào Nha Lank FC hai mùa từ 2022 đến 2024. Nữ tiền đạo sinh năm 1991 thi đấu 47 trận với 3.090 phút, trung bình chơi 67,17 phút mỗi trận, đồng thời ghi được 10 và kiến tạo bốn bàn.

Ở mùa đầu tiên, Huỳnh Như cùng Lank đứng thứ sáu Giải VĐQG Bồ Đào Nha. Nhưng ở mùa thứ hai, giới chủ cắt giảm đầu tư khiến đội mất gần hết cầu thủ chất lượng, chỉ còn Huỳnh Như và Gabi Goncalves là trụ cột. Từ thế tưởng chừng xuống hạng, Huỳnh Như ghi dấu ấn ở ba lượt cuối và hai trận play-off, với hai bàn và một kiến tạo, giúp Lank trụ hạng.

Hiện, Huỳnh Như đang khoác áo đội bóng làm nên tên tuổi là CLB TP HCM.

Hiếu Lương