![]() |
Hổ nuôi của công ty Bia Thái Bình Dương. Ảnh: Lao Động. |
Trước đó, ngày 9/3, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã có công văn giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với thủ trưởng các cơ quan liên quan để bàn biện pháp xử lý việc nuôi nhốt hổ trái phép tại tỉnh Bình Dương theo đúng quy định của pháp luật.
Ông Hà Công Tuấn cho rằng, số hổ nuôi nhốt ở Bình Dương không có nguồn gốc hợp pháp. Trong biên bản kiểm tra ngày 18/10/2006 tại Công ty Bia Thái Bình Dương (Pacific), doanh nghiệp nuôi nhiều hổ nhất (hiện nay cả mua nuôi và sinh sản là 23 con), phía công ty cũng xác nhận số hổ trên không có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp và nguồn gốc. Việc nuôi hổ là ngẫu nhiên, khi năm 2000, có người đến chào bán 5 con hổ bị bệnh, trọng lượng 2-5 kg/con. Năm 2003 doanh nghiệp này đã mua thêm 2 con và năm 2005 được tặng 1 con.
Mặc dù, theo đánh giá của đoàn kiểm tra, trong điều kiện nuôi nhốt (diện tích nuôi 6.000 m2, chia thành 9 ô chuồng), 23 con hổ đều phát triển khỏe mạnh. Tuy nhiên, hổ là loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, đang có nguy cơ tuyệt chủng. Pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi săn bắn, giết, mua bán, nuôi nhốt hổ trái phép. Vì thế, ngày 15/12/2006, Cục Kiểm lâm đã tổ chức cuộc họp tư vấn với các cơ quan gồm thanh tra, pháp chế, tòa án, quản lý thị trường, các nhà khoa học đến từ Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật, Trung tâm nghiên cứu tài nguyên và môi trường.
Hội nghị nhất trí cần đề xuất phương án giải quyết dứt điểm, không để kéo dài, gây phức tạp trong công tác quản lý và trong quan hệ quốc tế, nhất là khi Việt Nam gia nhập WTO. Cục Kiểm lâm đã đề xuất xử lý theo một trong ba phương án. Một là tịch thu toàn bộ số hổ nuôi nhốt và thả lại tự nhiên. Hai là tịch thu và tiêu hủy toàn bộ. Ba là tổ chức nuôi nhốt.
Thừa nhận trách nhiệm xử lý chậm Ông Hà Công Tuấn cho biết, đến tháng 6/2003, qua kiểm tra, Chi cục Kiểm lâm Bình Dương mới phát hiện việc nuôi hổ trái phép. Nhưng đến cuối năm 2006, Cục mới kiến nghị Chính phủ xử lý. "Đúng là các cơ quan chức năng, trong đó có Cục Kiểm lâm đã xử lý vấn đề chậm. Chúng tôi thừa nhận trách nhiệm, chứ không né tránh", ông Tuấn nói. |
Ông Tuấn cho biết, hai phương án đầu không được lựa chọn. Bởi nếu thả về tự nhiên thì trái với quy định của công ước quốc tế mà Việt Nam là một thành viên, là không thả động vật hoang dã vào tự nhiên nếu không thuần chủng. Hiện tại những con hổ nuôi nhốt không xác định được là thuần chủng hay lai tạp, có cận huyết không. Thứ hai, do nuôi nhốt lâu ngày, những con hổ này mất đi khả năng săn mồi, khả năng sống sót trong môi trường tự nhiên kém. Thứ ba, vẫn theo công ước quốc tế, bắt hổ ở đâu thì phải thả ở đấy, nhưng hiện không xác định được nguồn gốc.
"Cục Kiểm lâm nghiêng về phương án tịch thu và nuôi nhốt. Nhưng giao cho ai nuôi thì lại có hai đề xuất", ông Tuấn nói. Một là tiếp tục để các hộ nuôi, nhưng phải lập hồ sơ và phải đảm bảo các điều kiện về gây nuôi, phải nuôi hổ suốt đời và không khuyến khích việc mua bán. Trường hợp thứ hai nếu các cơ sở không muốn nuôi hoặc không đảm bảo các điều kiện nuôi nhốt thì sẽ phải đưa về nuôi tập trung tại các tổ chức có chức năng và đủ điều kiện. Nhà nước có trách nhiệm đầu tư, nuôi dưới hình thức bán hoang dã.
Trong khi cơ quan quản lý nhà nước còn đang bàn tính xem xử lý số hổ trên thế nào thì ngoài xã hội đang có rất ý kiến khác nhau. Nhiều ý kiến cho rằng trong khi khả năng nuôi hổ của các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã còn thấp, việc thả vào rừng là phi thực tế thì nên để các cơ sở được tiếp tục nuôi nhốt, nhằm tăng số cá thể hổ của Việt Nam. Về việc này, Cục trưởng Kiểm lâm khẳng định: "Việc xử lý số hổ nuôi nhốt sẽ cân nhắc trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, có lý có tình, nhưng phải đúng pháp luật và không tạo ra tiền lệ xấu".
Ông cũng cho biết, việc xử lý số hổ nuôi trái phép là tiền đề để tiến tới quản lý, chấn chỉnh việc nuôi nhốt các loài động vật hoang dã.
Hiện Việt Nam có khoảng 50 hổ nuôi. Tại Bình Dương có 3 chủ nuôi là ông Ngô Duy Tân, Giám đốc Công ty Bia Pacific, huyện Dĩ An (nuôi 23 con); ông Huỳnh Phi Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Nhân Nghĩa, thị xã Thủ Dầu Một (9 con) và ông Huỳnh Văn Phùng, chủ doanh nghiệp tư nhân Thanh Cảnh, huyện Thuận An (9 con). Số hổ tự nhiên đang ít dần. Nếu như năm 1992, theo báo cáo của các tổ chức nghiên cứu về hổ, cả nước có khoảng 300 hổ thì đến nay còn khoảng 100 con.
Hồng Khánh