Tính đến tháng 9 năm nay, số người tham gia bảo hiểm xã hội tăng 8.000 người so với năm trước. Năm 2022, cả nước có 17,5 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt 38,08% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt 3,18% lực lượng lao động với hơn 1,4 triệu người tham gia, vượt 0,68% so với chỉ tiêu được giao đến năm 2025.
Ngành bảo hiểm cũng dự báo tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế 2023 ước đạt 93,22% vượt chỉ tiêu 0,02%. Thực tế, các năm trước đó, tỷ lệ này đều năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể năm 2021, tỷ lệ là91,01% (vượt 0,01%); năm 2022 là 92,04% (vượt 0,04%).
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam thời gian qua đơn vị chú trọng giải quyết chế độ đầy đủ, kịp thời, đúng quy định tới từng người tham gia, thụ hưởng chính sách. Ngành phối hợp với Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố giải quyết dứt điểm các vướng mắc, nhất là trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; khắc phục tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh... đảm bảo quyền lợi cho người tham gia.

Quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế được đảm bảo. Ảnh: BHYT Việt Nam
9 tháng qua, ngành đã giải quyết cho 65.358 người hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng đối; 6.498.881 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; hơn 127 triệu lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (tăng gần 20% so với cùng kỳ), tương ứng số chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế khoảng 90.000 tỷ đồng (tăng hơn 13.652 tỷ đồng tương ứng 15,6% so với cùng kỳ).
Đơn vị thực hiện chi trả cho khoảng hơn 3,3 triệu người hưởng chế độ bảo hiểm xã hội hằng tháng, hơn 4 triệu lượt người hưởng bảo hiểm tự nguyện. Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt, ngành đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, khuyến khích người hưởng nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân. Đến nay, có khoảng 62% số người hưởng qua phương thức này tại khu vực đô thị, tăng 1% so với năm 2022; vượt chỉ tiêu được giao.
Công tác truyền thông được triển khai đa dạng, dưới nhiều hình thức, không chỉ truyền thông trên diện rộng, mang tính phổ quát mà còn có chiều sâu, truyền thông trực tiếp tới các nhóm chủ thể, truyền thông trực tiếp đến từng hộ gia đình.

Nhân viên bảo hiểm xã hội tuyên truyền đến người dân. Ảnh: BHXH Hà Tĩnh
Nhờ đó, trong khoảng 4,9 triệu lượt người hưởng bảo hiểm xã hội một lần giai đoạn 2016-2022, khoảng 1,3 triệu người quay trở lại đóng bảo hiểm xã hội, chiếm tỷ lệ gần 26,6% số người hưởng giai đoạn này.
Hiện đơn vị quản lý hơn 91,74 triệu người tham gia, trong đó đã xác thực và đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đạt tỷ lệ 94%. Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng phối hợp với các Bộ, ngành triển khai 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông... tạo thuận lợi cho người dân khi thực hiện các thủ tục về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện.
Mặt khác, ngành đã phối hợp triển khai sử dụng thẻ căn cước công dân và ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID) phục vụ người dân đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đạt gần 100% cơ sở khám chữa bệnh; ứng dụng công nghệ sinh trắc tại cơ sở khám chữa bệnh...
Đến nay, toàn bộ các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc đã triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip, với gần 50 triệu lượt tra cứu thông tin bảo hiểm y tế qua căn cước công dân phục vụ làm thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
(Nguồn: Bảo hiểm xã hội Việt Nam)