Trong số đó, hơn 200 bệnh nhân đã xuất viện, 119 trường hợp theo dõi điều trị tại nhà, 12 ca nặng phải chuyển viện. Theo lãnh đạo UBND TP Long Khánh, số ca nhập viện sau khi tăng liên tục những ngày qua nay đã có dấu hiệu giảm mạnh. Hiện chỉ còn vài trường hợp triệu chứng nhẹ đến bệnh viện kiểm tra rồi về nhà theo dõi.
Ca nặng nhất là bé trai 6 tuổi đang điều trị ở Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM vẫn còn hôn mê sâu, nước tiểu còn ít, tiếp tục thở máy và lọc máu. Ca nặng thứ hai là bệnh nhi 7 tuổi đang điều trị Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai hiện sức khỏe tiến triển, có phản xạ ho, có lúc mở mắt tự nhiên (các phản xạ nhiều hơn). 11 trường hợp nặng khác tạm ổn.
Hiện hồ sơ vụ việc đã chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra thụ lý. "Sau khi có kết quả điều tra, nếu không truy cứu trách nhiệm hình sự thì thành phố sẽ xử lý vi phạm hành chính", đại diện UBND TP Long Khánh nói.
Hôm qua, bác sĩ Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết kết quả xét nghiệm máu ba bệnh nhi nặng nhiễm khuẩn E.coli. Đây là vi khuẩn thường xuất hiện trong sản phẩm tươi sống, thịt bò, sữa tươi, nước trái cây, phô mai, trái cây và rau sống... Các triệu chứng khi mắc E.coli thường là buồn nôn và nôn, tiêu chảy ra nước hoặc máu tùy vào loại E.coli.
Những triệu chứng trên xuất hiện sau khi các bệnh nhân ăn bánh mì bán tại tiệm Băng ở phường Xuân Bình hôm 30/4. Ngày này, tiệm bán ra 1.100 ổ bánh mì, theo chủ tiệm. Hôm sau, những người ăn bánh mì có dấu hiệu ngộ độc, nhập viện cấp cứu với chẩn đoán nhiễm trùng đường ruột, nghi ngộ độc thực phẩm.
Làm việc với cơ quan chức năng, chủ tiệm bánh mì cho biết nguyên liệu, thực phẩm mua ở các cửa hàng nhỏ lẻ, do tiệm tự chế biến, không có hợp đồng mua bán. Đoàn kiểm tra liên ngành niêm phong tủ cấp đông tại cơ sở, trong đó chứa khoảng 15 kg đồ chua, 1 kg thịt heo đã qua chế biến, 1 kg chả lụa, 4 khay pate trọng lượng 10 kg.
Dự kiến hôm nay sẽ có kết quả xét nghiệm các mẫu thực phẩm thu tại tiệm bánh mì này.
Tiệm đã ngưng hoạt động từ sau khi xảy ra ngộ độc.
Phước Tuấn