Tuần trước, Hiệp hội nghiên cứu Ung thư Mỹ (AACR) xuất bản một báo cáo về tình hình ung thư hiện tại của nước này. Báo cáo cho thấy dịch Covid-19 đã gây những gián đoạn nhất định trong việc điều trị ung thư. Gần 80% bệnh nhân ung thư gặp khó khăn khi tiếp cận điều trị trong tình hình hiện nay. Sau ca Covid-19 đầu tiên tại Mỹ, số lượng xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung, vú và đại tràng đã giảm hơn 85%, theo số liệu thu thập từ 190 bệnh viện tại 23 bang.
Báo cáo cũng cho thấy một tín hiệu khả quan, đó là số bệnh nhân ung thư sống sót tại Mỹ đạt mức cao kỷ lục, vào khoảng 16,9 triệu người, tương ứng với tỷ lệ tử vong giảm 29% tính từ năm 1991 đến 2017. Những con số được đề cập cho thấy tình hình điều trị ung thư đã có những bước tiến triển vượt bậc trong thời gian qua.
Tính từ tháng 8/2019, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép cho 35 liệu pháp điều trị ung thư mới, trong số đó có những bệnh vốn trước nay không có hoặc rất ít các phương pháp điều trị hiệu quả.
Chủ tịch của ACCR, đồng thời là giáo sư y khoa, phẫu thuật và y dược phân tử tại Trung tâm Ung bướu Jonsson Đại học bang California, tiến sĩ Antoni Ribas cho biết mười năm trước đây, chỉ 1/5 bệnh nhân ung thư sắc tố di căn được tiếp cận điều trị. Con số đó hiện nay là gần 1/2.
Tuy nhiên báo cáo cũng chỉ ra những điểm tiêu cực của tình hình phòng chống và chữa trị ung thư tại Mỹ.
"Mặc dù rất nhiều tiến bộ đã đạt được, còn rất nhiều thứ cần làm. Ví dụ như hơn 4 trong số 10 chẩn đoán ung thư ở khoảng lứa tuổi 30 trở lên liên quan tới các nguy cơ có thể phòng tránh như hút thuốc, béo phì và lạm dụng rượu".
Đây là những yếu tố gây ung thư hàng đầu tại các quốc gia phát triển như Mỹ. Khoảng 20% số ca ung thư mới tại nước này là hậu quả của việc thừa cân, chế độ ăn không lành mạnh và ít vận động. Hơn 40% dân số Mỹ béo phì, theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC). Con số này được dự đoán sẽ tăng lên 50% trong thập kỷ tới.
Theo tiến sĩ Christopher Li, thành viên hội đồng điều hành ACCR và là chuyên gia dịch tễ tại Trung tâm nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson, cho hay: "Con số tăng lên rất đáng báo động. Những nghiên cứu về việc ngăn chặn ảnh hưởng của béo phì với ung thư, cũng như các phương thức mới để giảm tỷ lệ béo phì và ngăn chặn xu hướng bệnh tật nguy hiểm này là trọng tâm của y tế công cộng".
Ngoài các yếu tố chủ quan kể trên, có những nguyên nhân khách quan khiến tỷ lệ mắc ung thư tăng lên. Dân số đang già đi và tuổi tác là nguy cơ ung thư lớn nhất. Khoảng 60% bệnh nhân ung thư trên 65 tuổi. Mỹ ước tính số ca ung thư sẽ tăng từ 1,8 triệu năm 2020 lên tới 2,3 triệu vào năm 2040.
Tỷ lệ sống sót sau 5 năm ung thư của trẻ em và vị thành niên tại Mỹ cũng đã tăng lên từ 63% trong những năm 1970 lên 85% tính đến 2016. Dự báo, năm 2020 sẽ có khoảng 413.000 trẻ mắc ung thư và 328.000 trẻ tử vong. Ung thư vẫn tiếp tục đứng thứ hai trong số các nguyên nhân tử vong ở lứa tuổi 0-14. Báo cáo cũng chỉ ra trẻ em da màu có nguy cơ tử vong vì ung thư cao hơn 50% so với trẻ em da trắng.
Bảo hiểm y tế và khả năng tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng góp phần vào khoảng cách này. Bệnh nhân ung thư gan không bảo hiểm có thể kéo dài thời gian sống chỉ bằng một nửa so với nhóm có bảo hiểm. Các khu vực thiếu thốn điều kiện y tế cũng dẫn tới ít thông tin về việc phòng chống ung thư cũng như hạn chế tiếp cận các liệu pháp tầm soát.
AACR đề xuất nguồn kinh phí cho các nghiên cứu ung thư và tối ưu việc tiếp cận chăm sóc y tế và tầm soát. Các nhà khoa học cũng khuyến cáo mọi người kiểm tra sức khỏe định kỳ và tầm soát đúng hạn để phát hiện ung thư khi còn có khả năng điều trị hiệu quả. Tập luyện thể dục đều đặn cũng giúp giảm tỷ lệ mắc 9 loại ung thư phổ biến, như vú, đại tràng và phổi. Ngừng hoặc không bắt đầu hút thuốc, sử dụng thuốc lá điện tử cũng giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.
Linh Phan (Theo CNN)