Trước Bệnh viện Santa Maria ở phía bắc Lisbon, Isabel vội vã bước qua các bệnh nhân trên đường đến bãi đậu xe. Với quầng thâm dưới mắt, mái tóc rối bù và mang theo nhiều túi xách, nữ bác sĩ phẫu thuật 38 tuổi về nhà thay quần áo trước khi đến làm việc tại một phòng khám tư nhân.
"Tôi làm việc 40 giờ một tuần tại bệnh viện công với lương 2.000 euro một tháng sau thuế, dù học chuyên ngành phẫu thuật 6 năm. Nó không đủ để sống tươm tất vì chẳng thể tìm nhà thuê nào tại Lisbon giá dưới 1.300 euro một tháng", cô nói.
Để đủ chi phí trang trải cho cuộc sống và nuôi 2 đứa con, Isabel làm thêm 5 giờ một tuần tại một phòng khám tư nhân và nhận các cuộc phẫu thuật ngoài giờ. Tổng cộng, cô làm việc 60 giờ một tuần để kiếm được 4.000 euro mỗi tháng sau thuế.
Hay như Gonçalo Henriques, 32 tuổi vẫn sống cùng bố mẹ. Là một kiến trúc sư toàn thời gian, anh kiếm được 1.400 euro mỗi tháng và kiếm thêm thu nhập bằng nghề chụp ảnh. "Năm 2023, tôi kiếm thêm 6.000 euro. Số tiền đó là không đủ để tôi sống một mình trừ chấp nhận thuê một phòng trong căn hộ tồi tàn", anh nói.
Hoàn cảnh như Isabel hay Gonçalo Henriques không hiếm. Cơ quan Thống kê Bồ Đào Nha cho biết có kỷ lục hơn 250.000 công dân nước này làm hai hoặc thậm chí ba công việc cùng một lúc vào năm 2023. Con số này chiếm 5% lực lượng lao động 5 triệu người cả nước.
Con số này còn gây chú ý trước các chỉ số kinh tế mạnh mẽ khác của Bồ Đào Nha. Năm qua, GDP nước này tăng 2,3%, nợ công giảm xuống dưới 100% GDP sớm hơn nhiều so với dự kiến và tỷ lệ thất nghiệp chỉ 6,5 %.
Trên đường phố đông đúc khách du lịch của Lisbon, sự bất bình đẳng ngày càng rõ rệt, phản ánh một nền kinh tế hai tốc độ, theo Le Monde. Một mặt, thủ đô Bồ Đào Nha đã tăng từ vị trí thứ 20 lên vị trí thứ 8 trong "Chỉ số Thành phố Barnes 2024", bảng xếp hạng các thành phố thu hút nhiều người siêu giàu đến đầu tư vào bất động sản hạng sang.
Mặt khác, ba trong số bốn gia đình Bồ Đào Nha gặp khó khăn trong việc thanh toán hóa đơn năm 2023, theo tổ chức vận động người tiêu dùng Deco Proteste. Khảo sát 7.000 người về gánh nặng của cuộc sống chi phí lương thực, giáo dục, nhà ở, giao thông, y tế và giải trí của tổ chức này cho hay 75% hộ gia đình ở Bồ Đào Nha nói gặp khó khăn. Cùng với đó, 7% nói họ "nguy kịch". Nguyên nhân chính được chỉ ra là giá thuê nhà tăng mạnh và lãi vay mua nhà leo thang.
Năm 2022, mức lương trung bình hàng tháng trước thuế là khoảng 1.400 euro (1.500 USD) - chỉ đủ để thuê một căn hộ một phòng ngủ ở Lisbon khi giá cả tăng vọt trong bối cảnh khủng hoảng nhà ở. Gần 3 triệu công nhân nước này kiếm được ít hơn 1.000 euro (1.085 USD) mỗi tháng. Lương hưu trung bình cho người già là khoảng 500 euro (543 USD) một tháng.
Khó khăn càng tăng lên do lạm phát leo thang. Lạm phát tại nước này từng đạt đỉnh gần đây là 10,2% vào quý IV/2022 và hạ nhiệt còn 5,3% năm 2023. Osvaldo Sousa, một ca sĩ opera tại nhà hát Sao Carlos ở Lisbon nói nhiều người như ông bị vỡ mộng vì gặp khó khăn về nhà ở và dịch vụ chăm sóc sức khỏe."Giấc mơ của chúng tôi đã không thành hiện thực", ông nói.
Bất chấp hàng chục tỷ euro viện trợ phát triển của Liên minh châu Âu trong những thập kỷ gần đây, Bồ Đào Nha vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất Tây Âu. Ngân hàng trung ương Bồ Đào Nha dự báo GDP nước này sẽ tăng 2% năm nay. Kể từ đầu 2024, lương tối thiểu đã được chính phủ điều chỉnh tăng từ 760 euro lên 820 euro mỗi tháng và 10.640 euro lên 11.480 mỗi năm.
Nhà kinh tế học José Reis tại Đại học Coimbra (Bồ Đào Nha ) cho biết sau cuộc khủng hoảng năm 2011, tăng trưởng của nước này dựa trên các lĩnh vực chi phí thấp, năng suất thấp, cần nhiều lao động như du lịch và công nghiệp dịch vụ. "Điều này không bền vững theo thời gian và cần phải suy nghĩ lại", ông nói.
Phiên An (theo Le Monde, AP, Reuters)