Dữ liệu từ Bộ Nội vụ Nhật Bản ngày 16/9 cho thấy số người từ 65 tuổi trở lên, được định nghĩa là người cao tuổi tại nước này, chiếm 29,3% tổng dân số. Đây cũng là mức kỷ lục mới, đưa Nhật trở thành quốc gia có tỷ lệ người dân ở độ tuổi này cao nhất thế giới. Italy và Bồ Đào Nha nằm trong top 5, với tỷ lệ lần lượt là 24,6% và 24,5% dân, trong khi con số ở Hàn Quốc là 19,3% và Trung Quốc là 14,7%.
Tính đến 15/9, số phụ nữ từ 65 tuổi trở lên là 20,53 triệu người, số đàn ông cùng nhóm tuổi là 15,72 triệu người. Khoảng 12,9 triệu người từ 80 tuổi trở lên, chiếm 10,4% dân số và vượt ngưỡng 10% lần thứ hai liên tiếp.
Tỷ lệ người cao tuổi Nhật Bản ước đạt 34,8% dân số vào năm 2040, khi những người sinh ra trong giai đoạn bùng nổ dân số lần thứ hai (từ năm 1971 đến 1974) trở thành người cao tuổi, theo Viện Nghiên cứu Dân số và An sinh Xã hội Quốc gia.
Trong khi đó, cuộc khảo sát của Bộ cho thấy khoảng 9,14 triệu người cao tuổi ở nước này vẫn đi làm vào năm 2023 và chiếm 13,5% lực lượng lao động tổng thể. Đây cũng là mức kỷ lục mới.
Lĩnh vực họ tham gia nhiều nhất là thương mại bán buôn - bán lẻ, tiếp theo là y tế, phúc lợi và ngành dịch vụ. Số người cao tuổi làm việc trong ngành y tế và chăm sóc điều dưỡng, vốn đối mặt với tình trạng thiếu lao động kéo dài, tăng khoảng 2,4 lần so với 10 năm trước, lên tới 1,07 triệu người.
Nhật Bản đã chật vật đối phó với khủng hoảng nhân khẩu học kéo dài nhiều năm, khi tỷ lệ sinh liên tục giảm, làm dấy lên lo ngại về dân số già và lực lượng lao động thu hẹp.
Tổng dân số Nhật Bản đạt đỉnh vào năm 2010 với 127 triệu người và bắt đầu giảm dần. Đến năm 2065, con số này dự kiến giảm xuống còn khoảng 88 triệu.
Năm 2020, số lượng trường hợp đăng ký kết hôn ở Nhật Bản đã giảm 12,3%, xuống còn 525.490, con số thấp kỷ lục thời hậu chiến. Tỷ lệ sinh - số con trung bình một người phụ nữ sinh ra trong đời - giảm còn 1,34, thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới.
Thục Linh (Theo Mainichi)