Vừa là đại biểu Quốc hội, vừa trên cương vị người làm kinh doanh, ông chia sẻ với VnExpress bên lề phiên họp tổ chiều 21/5 về những trăn trở của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
- Các chuyên gia, đại biểu Quốc hội cho rằng doanh nghiệp đang kiệt quệ. Còn chính các doanh nghiệp nhìn nhận mình thế nào, thưa ông?
- Thực tế một số lớn doanh nghiệp đã "chết" chỉ còn chờ chôn thôi. Tôi ở Bình Dương, tình hình doanh nhân ở Bình Dương có khá hơn các địa phương khác. Nhưng đi thăm các tổ chức, hội doanh nhân trẻ ở các địa phương, những thành phố lớn như Hải Phòng, Hà Nội, TP HCM, Cần Thơ... thì thấy rõ cái khó khăn của doanh nghiệp lớn hơn mọi người nghĩ. Trên 50% doanh nhân trẻ, không tin là có thể trụ nổi qua hết giai đoạn này.
- Ông thấy khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp hiện nay là gì?
- Theo tôi là thị trường và sức mua. Chúng ta không bàn sâu thêm về bất động sản, mọi người đã thấy rõ rồi. Nhưng ngay cả trong các lĩnh vực khác thì việc sản xuất hiện gặp rất nhiều khó khăn do sức cầu của thị trường quá thấp. Sản xuất ra thì bán không được mà để tồn kho thì chết doanh nghiệp. Do đó tình trạng đình đốn sản xuất kinh doanh diễn ra khắp nơi.
- Theo ông, ngoài những giải pháp Chính phủ đã đưa ra, doanh nghiệp còn cần thêm điều gì nữa để vượt qua khó khăn hiện nay?
- Những gì Chính phủ đặt ra tôi tin là đều đúng cả. Những chương trình tái cơ cấu rất đúng nhưng tôi có cảm giác cách mà chúng ta triển khai quá chậm. Cần phải đẩy nhanh tốc độ triển khai các giải pháp đó lên. Việc triển khai phải đi vào thực tế nhanh hơn những gì mà chúng ta đang làm.
- Nhìn vào thực tế ông dự đoán bao giờ khó khăn sẽ qua?
- Thực sự tôi không có tiên đoán nào lạc quan cho tương lai cả, bởi vì tình hình sẽ còn tiếp tục xấu.
- Vậy phương án tốt nhất cho các doanh nghiệp đang gặp khó lúc này là gì? Đóng cửa chờ thời, kinh doanh cầm chừng hay nhận rủi ro tiếp tục đầu tư để nắm được cơ hội lớn?
- Theo tôi, lúc này không phải là lúc cho các doanh nghiệp khó khăn đầu tư. Họ cũng không nên nhảy qua ngành nghề gì mới cả mà nên cố gắng giữ hoạt động lõi của mình. Tôi tin những gì cần thiết phải làm cho doanh nghiệp thì chính phủ cũng đã biết, đã thấy còn ý chí vươn lên, ý chí vượt khó của doanh nghiệp là hết sức quan trọng.
Càng khó thì càng phải nên bươn chải, càng chịu bỏ thời gian tìm cơ hội trong lĩnh vực của mình, tìm giải pháp khác để thoát khỏi giai đoạn khó khăn này. Đương nhiên là không có chuyện mãi được, sẽ đến lúc tình hình tốt hơn thôi. Nhưng như tôi đã nói, tôi không xác định được là đến bao lâu thì tốt. Các doanh nghiệp trước hết phải tự cứu mình, không có cách nào khác cả.
Đã có nhiều anh em nhận ra vấn đề hiện nay là họ hoạt động ở nhiều mảng quá, nhiều lĩnh vực quá, bung sức ra ở nhiều nơi quá. Chuyện đó là không nên. Tôi nghĩ qua quá trình này mọi người nhận ra tương lai không dành cho những doanh nghiệp hoạt động quá rộng, quá nhiều mảng mà tập trung vào lĩnh vực mạnh nhất, có sở trường và khi đã đầu tư phải có dấn thân nhất định vào lĩnh vực họ làm chứ không thể làm một cách thoải mái như trước đây nữa.
- Nhiều đại biểu Quốc hội nhận định, niềm tin của doanh nghiệp đã xuống nhiều, chán nản. Vậy điều gì có thể kéo lại niềm tin của họ?
- Tôi thì lại không muốn bàn câu chuyện về niềm tin. Trong giai đoạn khó khăn này thì các doanh nghiệp trước hết phải biết tin vào mình, không ai cứu được mình bằng chính mình. Càng khó khăn phải nghĩ cách làm sao để tồn tại. Mà muốn làm được đòi hỏi ý chí của từng doanh nghiệp và đừng đặt niềm tin ở nơi khác.
Quốc hội đang bàn đến việc sửa đổi một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng vấn đề này dành cho tương lai nhiều hơn. Còn trước hết là những sắc thuế khác ảnh hưởng đến hoạt động của hàng ngàn doanh nghiệp cụ thể là thuế giá trị gia tăng. Nhưng bây giờ với doanh nghiệp thì vấn đề không phải là thuế nữa mà là sức cầu của thị trường. Đó mới là chuyện lớn.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước: “Theo khảo sát mới công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, hơn 70% doanh nghiệp cho biết khó khăn của họ hiện nay không còn là vấn đề lãi suất hay không thể tiếp cận vốn ngân hàng nữa, mà là thị trường, đầu ra cho sản phẩm. Lãi suất cho vay từ đầu năm tới nay đã giảm 2-4% một năm, mặt bằng cho vay ở các lĩnh vực ưu tiên hiện 8-10%, hơn 60% dư nợ hiện nay đều có lãi suất dưới 15%. Nhưng tín dụng không thể tăng cao hơn nữa mà nguyên nhân chủ yếu từ quan sát của chúng tôi nằm ở khả năng hấp thụ của nền kinh tế. Doanh nghiệp tốt không muốn vay bởi tồn kho cao, tiêu thụ hàng hóa kém, không muốn mở rộng sản xuất kinh doanh. Trong khi doanh nghiệp cần vốn thì năng lực tài chính yếu kém. Bài học cho vay dưới chuẩn ở Mỹ còn đó, ngân hàng không thể hạ thấp điều kiện để cố đẩy tín dụng ra. Để hỗ trợ tín dụng, phải tăng khả năng hấp thụ của nền kinh tế, bằng các giải pháp hỗ trợ thị trường, giải phóng hàng tồn kho chứ nỗ lực của riêng ngành ngân hàng là không đủ” Ông Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): “Mặt bằng lãi suất đã trở về giai đoạn 2005-2007 và với điều kiện kinh tế hiện nay tôi cho là khá hợp lý rồi. Điều đáng quan ngại nhất chính là tổng cầu của nền kinh tế rất thấp, đầu tư xã hội cũng giảm mạnh. Tôi cho rằng nếu chỉ trông chờ vào chính sách tiền tệ thì khó có thể vực dậy nền kinh tế vào lúc này. Có lẽ đã đến lúc chúng ta phải xem lại giới hạn nợ công, nới lỏng bội chi ngân sách để có thể gia tăng chi tiêu công, tăng đầu tư và nâng tổng cầu cho nền kinh tế. Trong lúc kinh tế suy giảm, không có giải pháp nào nhanh chóng hơn gia tăng đầu tư, chi tiêu của Chính phủ. Hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới hiện nay đều tiến hành các chương trình kích cầu để giúp vực dậy sản xuất kinh doanh, kích thích sức mua trên thị trường”. |
Nguyễn Hưng