Sau kỳ nghỉ lễ 30/4, các tỉnh thành trên cả nước và Tổng cục Du lịch đã đưa ra các thống kê về lượng khách 5 ngày nghỉ lễ. So với nhiều dự đoán về việc "khách bỏ đi trong nước để đi nước ngoài", các con số chỉ ra rất nhiều điểm đến nội địa đạt lượng khách "khủng" hay "cao nhất lịch sử".
TP HCM đón 950.000 lượt khách, tăng 126% so với cùng kỳ, Thanh Hóa đạt kỷ lục với 1,2 triệu lượt khách (tăng 33%). 2.400 tỷ đồng với 720.000 lượt khách là con số của Hà Nội, còn Sa Pa (Lào Cai) đón lượng khách đông nhất từ trước đến nay (185.000 lượt). Kiên Giang là tỉnh hiếm hoi có các con số sụt giảm, đạt gần 265.000 lượt khách, giảm 9,4%.
Ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, khẳng định các con số này "chưa phản ánh chính xác bức tranh toàn cảnh của ngành du lịch, mới chỉ một phần và chưa thực sự hiệu quả". Những thống kê này sử dụng đơn vị "lượt" khách thay vì "khách". Một người đi chơi 4 địa điểm trong cùng một thành phố và con số thống kê sẽ "4 lượt khách".
Trao đổi với VnExpress, một cán bộ đảm nhiệm công tác thống kê tại nhiều địa phương xác nhận mỗi tỉnh thành sẽ có cách tính toán lượng khách khác nhau. Ví dụ, Bình Thuận sẽ chỉ tổng hợp con số cuối cùng dựa trên lượng khách lưu trú. Đà Lạt kết hợp ứng dụng quản lý du lịch và báo cáo từ công an phường. Một số tỉnh thành khác cộng dồn cả khách tham quan trong ngày. Điều này đôi khi gây ra những hiểu lầm trong công tác thống kê mỗi dịp lễ Tết hay cả năm.
Ông Thắng cho biết khi xác định khách du lịch, cần nhấn mạnh đây là những người "rời khỏi nơi cư trú, đến lưu trú ở một nơi khác". Trong khi đó, khách tham quan sẽ không ở lại qua đêm, doanh thu từ nhóm này chủ yếu đến từ bán vé tham quan và ăn uống. Do đó, "lượt khách cao kỷ lục" sẽ chỉ nói lên hoạt động sôi nổi tại điểm đến trong thời gian nghỉ lễ. Để xét sâu hơn, các tỉnh thành cần có thống kê cụ thể về số khách ở qua đêm. Bởi nếu khách tham quan cao nhưng khách lưu trú ít, các cơ sở lưu trú chính là đơn vị bị ảnh hưởng.
"Trong hoạt động du lịch, số tiền đầu tư vào hạ tầng lưu trú rất lớn. Nếu chỉ nhìn lượt khách cao nhưng không quan tâm khách lưu trú ít sẽ là một vấn đề lớn", ông Thắng nói.
Ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc điều hành The Outbox Company, đơn vị cung cấp các giải pháp nghiên cứu thị trường và phân tích dữ liệu chuyên sâu về du lịch, khách sạn, cho biết bất cập trong thống kê khách nội địa đã có từ lâu. Do mỗi địa phương tính một kiểu, các con số "chắc chắn không phản ánh đúng thực trạng du lịch Việt Nam". Tuy nhiên, ông Phước nói các địa phương không sai vì họ không được thống nhất cách tính chung. Tổng cục Du lịch và Tổng cục Thống kê cần sớm đưa ra phương án thống nhất, tránh những ảnh hưởng lâu dài.
"Mọi cách tính đều tương đối và chắc chắn có một lượng khách nhỏ bị bỏ qua. Dù vậy, trong thống kê, đếm thiếu còn tốt hơn thừa", ông Phước chia sẻ.
Ông lập luận trong năm 2022, Việt Nam có tổng cộng 87 triệu lượt khách nội địa. Nếu con số này giảm đi đôi chút, kết quả cơ bản không ảnh hưởng. Tuy nhiên, nếu con số 87 triệu bị "cao vống" lên, nó sẽ gây ra hiện tượng "tăng trưởng ảo". Về lâu dài, sự tăng trưởng không có thật này sẽ ảnh hưởng xấu đến định hướng phát triển của ngành.
Trên thế giới, việc thống kê lượng khách du lịch cũng không phải câu chuyện đơn giản. Vào năm 2016, một bài trên Orlando Sentinel, tờ báo gần 150 năm của vùng Orlando, Florida và Central Florida (Mỹ), cũng cho biết việc thống kê khách du lịch "rất phức tạp". Trong năm này, tổng khách đến Orlando đạt 68 triệu lượt, tăng 2 triệu so với năm trước. Nhưng nhiều chỉ số tại các khách sạn, công viên giải trí tại Central Florida (Orlando) lại cho thấy các chủ doanh nghiệp trải qua một năm không mấy suôn sẻ.
Visit Orlando - cơ quan thực hiện việc tính toán lượng khách - không cung cấp cách tính của họ mà chỉ nói: "Việc phân tích lượng khách đến Orlando phức tạp hơn nhiều nơi khác, đòi hỏi khả năng phân tích cũng như hiểu biết sâu sắc về địa phương". Trước đó hai năm, một số cán bộ du lịch của các thành phố khác đã phàn nàn thống kê ở Orlando bị "thổi phồng quá mức".
Ở khía cạnh khác, không thể phủ nhận lượng khách du lịch nội địa năm nay vẫn tương đối lớn dù không ghi nhận tình trạng quá tải, đông nghẹt. Theo ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Flamingo Redtours, lý giải nhiều người lầm tưởng khách đi du lịch nước ngoài nhiều hơn trong nước dịp 30/4. Nhưng đây là điều không thể.
Các con số thống kê về du khách đi quốc tế dịp 30/4 chủ yếu lấy từ những công ty lữ hành. Nhiều du khách không tự tin đi ra nước ngoài tự túc sẽ sử dụng dịch vụ của các công ty này. Trong khi đó, khách nội địa hiện có xu hướng tự đi, không qua công ty lữ hành nữa. Do đó, việc khách trong nước vẫn cao "không quá ngạc nhiên".
Dù chưa phản ánh chính xác hoàn toàn bức tranh 30/4 của ngành du lịch, các con số thống kê cũng chỉ ra một điều đã được dự báo trước: xu hướng đi gần, du lịch tại chỗ do giá vé máy bay đắt. Các điểm như TP HCM, Hà Nội đều có thống kê lượt khách cao. Con số này đã bao gồm cả những người sống tại thành phố, không đi du lịch nhưng tham quan các điểm du lịch. Các con số từ Sa Pa, Thanh Hóa, Bình Thuận cũng chứng minh những điểm đến dễ tiếp cận bằng đường bộ là ưu tiên của du khách.
Các chuyên gia nhấn mạnh Việt Nam cần sớm có đơn vị thực hiện các thống kê du lịch một cách chuyên nghiệp để đánh giá chính xác hơn. Các thống kê chính xác, rõ ràng về lượng khách lưu trú, chi tiêu, tham quan sẽ giúp từng địa phương lên kế hoạch chính xác nhất để phục vụ khách vào những thời điểm khác nhau, không riêng nghỉ lễ. Các con số này cũng sẽ giúp địa phương điều tiết khách hiệu quả, tránh tình trạng nơi đông, chỗ vắng.
Tú Nguyễn