Trung tâm cai nghiện Đồng Nai (huyện Xuân Lộc) rộng gần 5 hecta, với 8 dãy nhà, có gần 1.500 học viên. Trong đó chỉ có 6 người tự nguyện cai nghiện, còn lại là bắt buộc. Những người vào đây sẽ được điều trị cắt cơn nghiện theo phác đồ ATK (an thần kinh của Bộ Y tế) cùng với việc tư vấn tâm lý. Mỗi học viên được tiêu chuẩn 40.000 đồng một ngày, trong đó sáng 10.000 đồng, trưa và chiều 15.000 đồng. Họ cũng lao động, vui chơi, giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao.
"Nhiều người cho rằng trại quá tải và mức sinh hoạt ăn uống bị chèn ép khiến hơn 500 học viên trốn trại đồng loạt là không đúng. Nếu so với các cơ sở khác thì Đồng Nai là tỉnh có mức ăn bình quân cao nhất", ông Hồ Văn Lộc, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Đồng Nai nói. "Chúng tôi cũng thường xuyên thay đổi thực đơn để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho các học viên".
Theo ông Hồ Trí Lịch, Giám đốc cơ sở cai nghiện ma túy Đồng Nai, cơ sở vật chất của trung tâm đã xuống cấp, trong khi lượng người nghiện bắt buộc đưa vào cơ sở này ngày càng nhiều nên đã tạo áp lực cho việc quản lý. Hầu hết các học viên sử dụng ma túy tổng hợp nên tâm lý rất nổi loạn, manh động; một số còn chống đối không chấp hành nội quy, quy trình điều trị cắt cơn, thậm chí đã nhiều lần vượt rào trốn trại.
"Trung tâm có 47 cán bộ chuyên trách, 29 bảo vệ túc trực 100% người ban ngày và 50% ban đêm. Lực lượng khá mỏng nhưng chúng tôi vẫn cố gắng và có nhiều biện pháp an ninh để đảm bảo hoạt động ổn định", ông Lịch nói.
Ông Lịch cho rằng việc sợ ra tòa khiến các học viên đồng loạt trốn trại là nguyên nhân chung ở tất cả cơ sở cai nghiện trên toàn quốc. "Tuy nhiên, việc trốn trại hôm 23/10 được xác định do 3 học viên mới vào chưa quen cảnh gò bó khuôn mẫu nên kích động. Sự việc gây hoang mang cho người dân địa phương tại các địa bàn lân cận. Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi hiện nay là sớm ổn định hoạt động của cơ sở", lãnh đạo này nói.
Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã đề xuất hàng loạt giải pháp an ninh nhằm đảm bảo hoạt động ổn định như: trả về địa phương đối với học viên vào khu xã hội trên 2 tháng mà chưa có quyết định của tòa; tạm thời không đưa người nghiện ma túy vào cơ sở để đảm bảo việc sửa chữa; cho phép cơ sở tuyển thêm 70 bảo vệ.
"Đó là những giải pháp trước mắt, về lâu dài cơ sở cần xây mới khu quản lý học viên cai nghiện bắt buộc khép kín thành 8 khu với sức chứa 2.000 người. Cơ sở sẽ có hành lang an toàn để tránh học viên bỏ trốn, chống tuồn ma túy và các chất kích thích vào bên trong", lãnh đạo sở này khẳng định.
Bà Nguyễn Hòa Hiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh đã có giải pháp tạm thời sửa chữa các phòng ở, nhằm ổn định việc quản lý học viên. Về lâu dài sẽ đầu tư kinh phí nhằm sửa chữa và xây mới cơ sở này. "Trước mắt cần cấp ngay 3 tỷ đồng và cho chỉ định thầu xây mới 10 phòng để giảm bớt tình trạng quá tải về chỗ ở cho học viên hiện nay", bà Hiệp nói.
Tối 23/10, hơn 562 học viên đập phá rào Trung tâm cai nghiện Đồng Nai trước khi kéo nhau ra Quốc lộ 1A chặn xe, gây ách tắc giao thông. Những người này đi thành từng đoàn, la hét khiến người đi đường và dân địa phương ai cũng khiếp sợ. Nhiều nhóm chặn xe người đi đường xin tiền, một số xông vào nhà dân đập phá đồ đạc.
Công an tỉnh Đồng Nai đã huy động hàng trăm chiến sĩ xuống đường vây bắt. Đến sáng 25/10, có hơn 400 học viên bị đưa trở lại cơ sở cai nghiện.
Theo thống kê, 36 phòng của các khu A, E, F, G và trạm xá cùng nhiều tivi, cửa… của trung tâm bị hư hỏng với tổng thiệt hại hơn 200 triệu đồng. Hiện trung tâm đã cho sửa chữa lại các phòng bị đập phá.
>> Video: Học viên trốn trại cai nghiện: 'Bọn em chạy tán loạn vào rừng
Phước Tuấn