Hai năm trước, khi tôi còn ở New Zealand, được hẹn khám sức tổng quát để đi làm. Trong quá trình chụp CT cắt lớp và X-quang, các bác sĩ New Zealand phát hiện tôi mắc phải căn bệnh tràn khí màng phổi, với những túi bóng khí phát triển chèn lên lá phổi trái, khiến nó không nở ra và hoạt động bình thường được. Tôi được các bác sĩ và chuyên gia hô hấp theo dõi, thăm khám rất tận tình. Họ khuyến cáo tôi phải phẫu thuật càng sớm càng tốt để tăng cơ hội sống và hồi phục. Sau khi hội chẩn, bác sĩ điều trị cho tôi khuyên tôi nên về Việt Nam thực hiện ca mổ, vì ở đó tôi có người thân và gia đình, quá trình hồi phục sau phẫu thuật cực kỳ quan trọng. Vậy nên tôi quyết định bay về quê hương Sài Gòn. Ca phẫu thuật rất thành công và tôi thực lòng biết ơn các bác sĩ giúp tôi có thêm cơ hội sống tiếp.
Ngày còn ở New Zealand, tôi yêu cô gái người Australia gốc Việt hơn 3 tuổi. Đến giờ tôi vẫn luôn tin rằng cô ấy là cô gái tốt đẹp nhất tôi từng gặp trong đời. Tôi thực lòng yêu cô ấy. Mỗi tối khi làm xong việc, tôi luôn gọi video cho cô ấy, cả hai trò chuyện, kể cho nhau nghe mọi việc hôm nay thế nào. Chúng tôi không ở cạnh nhau, vì ngày đó dịch Covid, Australia và New Zealand đều đóng cửa biên giới. Nhưng tôi hạnh phúc vì mỗi ngày đều được nói chuyện với cô ấy. Đó là quãng thời gian tươi đẹp và tôi luôn giữ nó như kỷ niệm khó phai trong cuộc đời mình.
Nhưng rồi biến cố ập đến, tôi phát hiện mắc bệnh, có nhiều thứ trong tôi vụn vỡ và sụp đổ. Lúc ấy tôi sợ hãi và đẩy cô ấy ra xa, không muốn cô ấy phải yêu một người bệnh tật như mình. Cuối cùng tôi nói lời chia tay, kết thúc với cô ấy dù thực sự khó khăn. Tôi biết đó có lẽ là việc ngu xuẩn nhất mình làm trong đời. Người ta thường nói về tình yêu rằng "Anh thích em", "Anh yêu em", và hơn cả là "Anh thương em", nghĩa là trong tình yêu của anh còn là tình thương to lớn dành cho cô gái mình yêu, ta có thể hy sinh nhiều thứ vì cô ấy. Quả thực tôi thương cô ấy vô cùng.
Tôi mất ba tháng để hồi phục hoàn toàn ở Sài Gòn và bắt đầu đi làm lại, công việc giảng dạy mình yêu thích lần đầu tiên tại quê nhà. Thực ra ước mơ lớn nhất của tôi là trở thành giảng viên đại học tại nước ngoài, điều mà tôi chưa thể thực hiện được khi ở New Zealand. Sau phẫu thuật, gia đình không muốn tôi quay lại nơi ấy nữa, có lẽ vì tôi từng mắc bệnh ở đó. Tôi đi dạy tại Việt Nam cho đến khi kết thúc học kỳ hai và vào mùa hè năm ngoái, tôi quyết định trở lại nước ngoài lần nữa để theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy của mình. Có lẽ học thuật và nghiên cứu là những việc tôi làm tốt nhất.
Lần này tôi đến Cộng hòa Séc. Tôi đặt chân đến châu Âu vào tháng tám năm ngoái, và khi đang viết những dòng này, tôi đã sống ở đây được tròn một năm. Tôi cảm thấy được là chính mình và hạnh phúc vì được làm những gì mình thích tại đất nước hoàn toàn mới lạ này. Tôi chăm chỉ học ngôn ngữ và văn hóa bản địa mỗi ngày để giao tiếp tốt hơn với người dân địa phương, dù phần lớn trong quá trình sinh sống tại đây, tôi vẫn phải giao tiếp bằng tiếng Anh với đồng nghiệp và bạn bè.
Sau từng ấy thời gian, tôi dũng cảm gọi điện thoại cho cô gái mình từng yêu và kể cho cô ấy nghe mọi thứ, về những gì đã trải qua và vì sao ngày ấy lại làm như vậy. Nghe tôi tâm sự xong, cô ấy mỉm cười và hứa: "Nếu có một ngày anh thực hiện được giấc mơ của mình và sống qua tuổi 40 để hóa giải nỗi sợ trong lòng anh, hãy đến Sydney để gặp em. Em sẽ dẫn anh đi ăn bún bò Huế, món ăn anh yêu thích, ở khu cộng đồng người Việt". Ngày qua ngày tôi vẫn tiếp tục chiến đấu cho ước mong của mình, để đến một ngày lấy bằng tiến sĩ và trở thành giảng viên tại Séc, tôi sẽ bắt chuyến bay đến Australia, gặp lại cô gái ngày xưa và cùng em đi ăn bún bò. Mong Chúa phù hộ chúng tôi.
Tôi không bao giờ bỏ cuộc, chiến đấu để chiến thắng bệnh tật và đã trở lại. Tôi được tái sinh một lần nữa để sống trọn vẹn nhất cuộc đời của mình, cho những ước mơ, khát vọng của bản thân. Cuộc đời chúng ta thật sự giá trị, ta có bao nhiêu thứ tươi đẹp cần đi hết trong đời này. Ngày mai chưa tới và ngày mai sẽ là những điều tốt đẹp, giống như một người thầy từng nói: "Dù mọi chuyện có thế nào, cũng phải chiến đấu cho hết ngày mai...".
Hữu Nghĩa
Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc