Jain bắt đầu ăn xin từ năm 14 tuổi khi gia đình gặp khó khăn.
Công việc này trở thành nguồn thu nhập chính, mỗi ngày mang về cho Jain vài nghìn rupee. Thu nhập ổn định từ ăn xin khiến Jain tiếp tục hành nghề kể cả khi đã trưởng thành, lập gia đình.
Mỗi ngày Jain làm việc 10-12 tiếng, bất kể ngày lễ hay lúc thời tiết khắc nghiệt, trung bình mỗi tháng kiếm được 65.000-70.000 rupee. Số tiền đi xin được, sau khi trang trải chi phí sinh hoạt gia đình, ông mang đi đầu tư.
Tổng tài sản của ông đến thời điểm hiện tại là 75 triệu rupee.
Người ăn xin này đã mua hai căn hộ ở Mumbai trị giá 14 triệu rupee để sống cùng cha, anh trai, vợ và hai con. Ông cũng là chủ một cửa hàng ở thành phố Thane hiện cho thuê 30.000 rupee mỗi tháng.
Những khoản đầu tư này giúp Jain và gia đình có cuộc sống ổn định. Hai con trai của ông theo học tại trường tư nổi tiếng đắt đỏ. Sau khi tốt nghiệp họ làm việc tại cửa tiệm bán văn phòng phẩm quy mô lớn của gia đình.
Khi tài chính ổn định, gia đình khuyên Jain nên bỏ nghề nhưng ông từ chối.
"Tôi thích nghề ăn xin và không muốn bỏ việc", ông nói. Jain cũng khẳng định không quên trách nhiệm với cộng đồng. Người đàn ông 54 tuổi thường xuyên quyên góp tiền cho các ngôi đền và tổ chức từ thiện tại địa phương.
Theo truyền thông địa phương, Jain không phải trường hợp cá biệt giàu có từ nghề ăn xin. Tuy nhiên đây là ví dụ cho thấy một nền kinh tế ngầm phát triển mạnh mẽ ở Ấn Độ, nơi ăn xin có thể trở thành công việc có lợi nhuận lớn nếu biết cách quản lý dòng tiền.
Tại Ấn Độ ăn xin là công việc bất hợp pháp nhưng vẫn diễn ra phổ biến. Chính phủ đã dùng nhiều biện pháp để ngăn chặn như bắt giữ, phạt tiền nhưng đến nay chưa đạt hiệu quả.
Minh Phương (Theo Economictimes)