Khi bạn gửi thông tin trên Internet, bằng e-mail chẳng hạn, thì mức chi phí cho việc đó như nhau cho dù người nhận ở ngay cạnh nhà hay ở nửa kia của trái đất. Nhưng nếu so sánh cước phí gọi điện thoại cho những người ở các địa điểm khác nhau thì lại là vấn đề hoàn toàn khác. Nếu bạn gửi giọng nói của mình dưới dạng dữ liệu, thì khi đó, bất kể người bạn đang nói chuyện ở đâu cũng không thành vấn đề. VoIP đóng gói các tín hiệu đàm thoại theo phương thức giống hệt các loại dữ liệu như e-mail hay phần mềm để download.
Nghe khá đơn giản, nhưng tại sao không phải ai cũng dùng VoIP?
Mặc dù quan niệm về VoIP rất dễ hiểu, nhưng việc triển khai và sử dụng nó tương đối phức tạp. Để có thể gửi tiếng nói, chương trình phải tách nó ra thành những gói riêng lẻ giống như dữ liệu. Các gói dữ liệu là những mảng thông tin bị chẻ nhỏ, có kích thước phù hợp để có thể gửi đi.
Từ đó, các gói dữ liệu lần lượt được gửi đi và được ráp lại với nhau theo một cách thức phù hợp. Về lý thuyết, quá trình này rất suôn sẻ, nhưng giao tiếp bằng âm thanh qua Internet không được liền mạch như cách nói chuyện qua đường dây điện thoại truyền thống. Những công nghệ liên quan không ngừng được cải thiện, song chất lượng âm thanh khi nói chuyện qua mạng vẫn là vấn đề đối với các chuyên gia.
VoIP không phải là cách duy nhất để hội thoại qua một hệ thống mạng như Internet. VoIP là một trong nhóm công nghệ gọi là voice over packet network.
Có nên sử dụng những công nghệ này không?
Các nhà phân tích trông đợi trong tương lai nhiều người sẽ sử dụng chúng để đàm thoại. Khi mới ra đời, VoIP và các công nghệ khác được coi là sẽ thay đổi ngành công nghiệp viễn thông. Tuy nhiên, do chất lượng dịch vụ thấp và chi phí để xây dựng cơ sở hạ tầng đã ngăn chặn sự thành công của những công nghệ này.
Văn Bình