Sau giai đoạn thử nghiệm, 2020 được nhận định sẽ là năm bùng nổ của kết nối 5G khi hàng loạt nhà sản xuất đưa công nghệ này vào smartphone. Tuy nhiên, theo Qualcomm, "5G sẽ chuyển đổi mọi thứ chứ không chỉ riêng điện thoại. Nó chỉ là bắt đầu từ điện thoại mà thôi".
Với tốc độ nhanh gấp 50 lần và độ trễ cực thấp so với kết nối 4G, khi được triển khai, 5G được kỳ vọng sẽ là giải pháp "thần kỳ", đáp ứng nhu cầu kết nối một số lượng lớn thiết bị trong nhiều ngành kinh tế xã hội khác nhau, chứ không chỉ gói gọn trong dịch vụ thoại hay dữ liệu thông thường.
5G sẽ tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực, từ y tế, giáo dục tới giao thông thông minh. Một viễn cảnh được vẽ ra là ôtô với kết nối 5G sẽ "nói chuyện" được với những chiếc xe khác và hàng loạt thiết bị trên phố. Với độ trễ cực thấp, bác sĩ có thể hướng dẫn theo thời gian thực từ xa cuộc phẫu thuật cho một bệnh nhân...
Việt Nam hiện được đánh giá cao về tốc độ phát triển kết nối. Cisco ước tính tới năm 2025, tỷ lệ thuê bao 5G sẽ đạt 6,3 triệu, chiếm 6% trong tổng số các thuê bao di động tại Việt Nam.
Tuy vậy, công nghệ nào cũng đi kèm với những rủi ro về bảo mật.
Thách thức bảo mật lớn nhất của các công nghệ mới như 5G, AI, IoT chính là quyền riêng tư. Nhờ tốc độ cao, 5G mới hiện thực hoá được viễn cảnh Internet vạn vật IoT mà giới chuyên gia đã nói tới nhiều năm qua, khi các thiết bị tích hợp AI có thể tương tác với nhau. Các vụ tống tiền, trộm danh tính... ngày càng nhiều trong khi số lượng thiết bị kết nối cũng được mở rộng, tức bệ phóng để tấn công, phát tán thông tin cũng tăng lên.
Một trong những nguy cơ về quyền riêng tư được dự đoán không thể ngăn chặn thời gian tới là DeepFake. DeepFake là những video, hình ảnh, giọng nói, âm thanh bị các phần mềm trí tuệ nhân tạo chỉnh sửa, bóp méo, cắt ghép khiến chúng trông như thật. Ban đầu, DeepFake chủ yếu được dùng để ghép khuôn mặt các nữ diễn viên vào trong những video mang tính khiêu dâm. Tuy nhiên, các công cụ này ngày càng phổ biến, đe dọa không chỉ các ngôi sao, chính trị gia mà cả người dùng bình thường.
Các chuyên gia đã bày tỏ sự lo ngại về việc lạm dụng công nghệ giả mạo thông qua AI có thể tạo ra các thông tin sai lệch, gây ra những tác động lớn tới quyền riêng tư của người dùng năm 2020. Tuy nhiên, các chuyên gia thừa nhận, con người không thể tránh khỏi nguy cơ trở thành nạn nhân của DeepFake vì bất kỳ ai công khai hồ sơ cá nhân lên mạng xã hội đều có thể bị giả mạo.
Tại hội thảo Tech Talks, do VnExpress tổ chức từ 13h đến 18h ngày 8/1 tại Trung tâm Hội nghị White Palace (194 Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP HCM), các chuyên gia công nghệ nổi tiếng, như CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng, CEO Microsoft Phạm Thế Trường... sẽ chia sẻ tầm nhìn về kết nối 5G, sức mạnh của 5G trong cuộc sống thông minh, cũng như cảnh báo về những nguy cơ bảo mật và cách hạn chế rủi ro trong kỷ nguyên kết nối.
Diễn đàn Tech Talks nằm trong khuôn khổ ngày hội Tech Day của VnExpress, bên cạnh triển lãm Smart Living và lễ trao giải Tech Awards. Triển lãm công nghệ Smart Living mang đến cho khách tham quan những trải nghiệm mới mẻ về các công nghệ mới của năm. Lễ trao giải Tech Awards 2019, vinh danh các sản phẩm và thương hiệu công nghệ xuất sắc, được tổ chức từ 19h cùng ngày.
Chương trình mở bán vé đăng ký sớm (Early bird) với mức giá ưu đãi 199.000 đồng một vé, áp dụng từ nay đến hết ngày 30/12. Sau thời gian trên, giá vé tiêu chuẩn sẽ là 299.000 đồng một vé.
Độc giả mua vé tại đây.
Đăng ký tham dự triển lãm Tech Expo tại đây.