Thu Thảo, 25 tuổi tại Đồng Nai, là một trong những người đầu tiên chủ động đến phòng giao dịch của nhà mạng để chuẩn hóa thuê bao hồi tháng 3, sau khi nhận hàng loạt cuộc gọi mạo danh mỗi ngày. Tuy nhiên, khi 1,5 triệu sim đã bị khóa một chiều vào 31/3, Thảo vẫn tiếp tục bị quấy rầy bởi các cuộc gọi rác, phần lớn trong đó có mục đích lừa đảo, với tần suất không giảm.
Thảo không phải ngoại lệ. Khảo sát của VnExpress đầu tháng 4 cho thấy 68% trong tổng số hơn 4,7 nghìn người tham gia nói thường xuyên nhận được cuộc gọi rác và chỉ 4% không còn bị làm phiền.
Theo báo cáo 6 tháng đầu năm của Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông, hai cổng chongthurac.vn và thongbaorac.ais.gov.vn đã nhận hàng trăm nghìn lượt phản ánh của người dân về cuộc gọi rác. Số vụ lừa đảo trực tuyến tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối 2022.
Sim rác chưa được xử lý triệt để
Đại diện một nhà mạng cho biết: "Người dùng vẫn bị cuộc gọi rác làm phiền vì việc chuẩn hóa thuê bao chưa giải quyết hoàn toàn vấn nạn sim rác. Nhiều sim rác được kích hoạt sẵn bằng thông tin của người khác và chuẩn, khớp với dữ liệu quốc gia về dân cư nên vẫn có thể dùng bình thường".
Ông nhận định ngay cả khi siết sim chính chủ, cuộc gọi rác sẽ vẫn hoành hoành. Theo quy định, mỗi người có thể đăng ký tối đa ba sim chính chủ trên một nhà mạng viễn thông. Với năm nhà mạng, trung bình một người có thể đăng ký 15 đầu số. Một công ty chuyên cung cấp dịch vụ tìm kiếm khách hàng qua điện thoại với 100 nhân viên là đã có 1.500 đầu số để "dội bom" người dùng. Chưa kể, nhiều bên vẫn tìm đến "sim rác chuẩn hóa" được mua bán ngoài "chợ đen".
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, thời gian qua hoạt động mua bán sim rác vẫn diễn ra phổ biến. Điều này dẫn đến tình trạng bùng phát cuộc gọi quấy rối, khủng bố đòi nợ, lừa đảo, xúc phạm, gây mất trật tự an toàn xã hội, khiến nhiều người bị thiệt hại tài sản.
Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết sau khi chuẩn hóa thuê bao, cơ quan chức năng bắt đầu kiểm tra cá nhân, tổ chức sở hữu nhiều sim. Đến 7/7, các doanh nghiệp viễn thông đã xử lý xong tệp thuê bao là khách hàng doanh nghiệp sở hữu trên 10 sim. Dự kiến đến 25/7 xử lý xong các khách hàng cá nhân có trên 10 sim.
Từ cuối 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố ba công đoạn lớn trong việc giải quyết sim rác. Đầu tiên, đảm bảo toàn bộ thuê bao có thông tin. Tiếp đến, đảm bảo thông tin chính xác bằng việc đối soát với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cuối cùng là xử lý tình trạng sim không chính chủ.
Đến nay, nhà mạng đã hoàn thành hai công đoạn. Bước cuối là đảm bảo thuê bao dùng sim chính chủ. "Khi mọi người đều dùng sim chính chủ, từ số thuê bao có thể tra thông tin cá nhân và ngược lại. Điều này giúp phát hiện và xử lý tổ chức, cá nhân sử dụng sim thực hiện hành vi vi phạm, gây ảnh hưởng xấu với xã hội", đại diện Bộ cho biết hồi tháng 4.
Các nguồn phát tán cuộc gọi rác khác
Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ Công ty an ninh mạng NCS, cuộc gọi rác không chỉ được thực hiện qua sim điện thoại mà còn được phát tán từ nhiều hình thức như tổng đài đăng ký với nhà mạng, ứng dụng OTP. Gần đây, phần mềm tự động trên máy tính (auto bot) cũng nở rộ, tự động gọi và phát nội dung ghi âm đến khách hàng.
Một số công cụ gọi tự động như PhoneBurner cho phép máy thực hiện cuộc gọi từ danh sách đầu vào bất kể ngày đêm, khiến người dùng rơi vào tình trạng nhận hết cuộc này đến cuộc khác. Một số còn lợi dụng công cụ này để "khủng bố" người khác hoặc phục vụ cho mục đích lừa đảo.
Các nhóm lừa đảo cũng đang chuyển sang dùng nền tảng OTT thay cho cuộc gọi từ sim số truyền thống. "Các dịch vụ OTT cho phép mua bán tài khoản và tạo cuộc gọi không khác gì cuộc gọi thường nhưng không chịu sự quản lý, giám sát của các nhà mạng tại Việt Nam. Hiện cũng chưa có quy định cụ thể, chế tài để xử lý những nhóm này" ông Sơn cho hay.
Do đó, theo ông Sơn, việc xử lý sim rác không thể "xóa sổ" cuộc gọi rác.
Cách đối phó cuộc gọi rác
Liên tục bị tấn công bởi cuộc gọi rác, nhiều người chọn cách chặn số. Độc giả Phúc Long cho biết: "Chỉ cần bắt máy, nói vài câu là tôi xác định được cuộc gọi rác. Đến nay danh sách chặn của tôi lên đến hơn 200 số, lúc đầu hơi mất công nhưng hiệu quả thấy rõ, tần suất cuộc gọi làm phiền đã ít đi hẳn".
Tuy nhiên, cũng có những người nói danh sách chặn "dài dằng dặc nhưng vẫn bị làm phiền, không ăn thua vì mỗi lần là một số khác nhau".
Một cách đối phó phổ biến khác là cài ứng dụng lọc cuộc gọi, tin nhắn rác như TrueCaller, Hiya, VeroSMS. Trong đó, TrueCaller, được nhiều người dùng tại Việt Nam lựa chọn do dùng được cả trên iPhone và Android, nguồn dữ liệu từ cộng đồng khá phong phú nên hiệu quả trong việc định danh cuộc gọi mời chào dịch vụ, lừa đảo.
Cục An toàn thông tin cũng triển khai hệ thống quản lý danh sách không quảng cáo (DNC). Người dùng có thể soạn tin DK DNC gửi 5656 hoặc vào website khongquangcao.ais.gov.vn để được đưa vào danh sách không nhận quảng cáo. Các số bị chặn qua hệ thống của Cục đã được xác minh nên hoạt động chính xác. Tuy nhiên, theo ông Sơn, trên thực tế, các cuộc gọi mời chào, lừa đảo hiện nay liên tục được thay số điện thoại nên tình trạng bỏ sót khá lớn.
Trong báo cáo về mối đe dọa cuộc gọi toàn cầu quý I/2023, Hiya, nhà phát triển ứng dụng chống lừa đảo, cho biết: "Không quốc gia nào trên thế giới miễn nhiễm với cuộc gọi rác. Cứ bốn cuộc gọi từ người không xác định, có một cuộc gọi quảng cáo hoặc lừa đảo. Chỉ riêng trong ba tháng đầu 2023 đã có khoảng 6,7 tỷ cuộc gọi rác trên toàn cầu, tương đương 73 triệu cuộc gọi mỗi ngày".
Trong khi đó Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) nói cuộc gọi rác là vấn nạn được người dùng khiếu nại nhiều nhất. Cơ quan này đang tìm nhiều cách để ngăn chặn cuộc gọi bất hợp pháp, nhưng ngay cả những quy định chặt chẽ trong Đạo luật bảo vệ người tiêu dùng điện thoại (TCPA) cũng không giải quyết được cuộc gọi rác.
Lưu Quý - Khương Nha