TSMC đang bán quy trình 4 nm cho các nhà sản xuất cần bộ vi xử lý tiên tiến nhất trên thị trường. Có thể kể đến như MediaTek với Dimensity 9000 và gần nhất là Qualcomm với Snapdragon 8+ Gen 1. Tuy nhiên, các chip 28 nm cũ cũng đang mang lại doanh thu rất lớn cho hãng Đài Loan.
Theo hãng phân tích Strategy Analytics, công nghệ chip 28 mm, ra đời cách đây một thập kỷ, đang quay lại đà tăng trưởng. TSMC, UMC và SMIC đang tiếp tục mở rộng năng lực sản xuất chip 28 nm. Năm 2021, tổng doanh thu của các xưởng đúc wafer 28 nm vượt 7,2 tỷ USD và TSMC chiếm ba phần tư doanh thu trong số này.
Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan dự kiến xây một nhà máy ở Cao Hùng để sản xuất các quy trình 7 nm và 28 nm trong năm nay và đi vào hoạt động từ năm 2024. Ngoài ra, TSMC sẽ thành lập một công ty con là Japan Advanced Semiconductor Manufacturing (JASM) để cung cấp dịch vụ đúc tại Kumamoto (Nhật Bản). Lịch trình của nhà máy JASM cũng tương tự tại Cao Hùng.
TSMC là xưởng đúc đầu tiên trên thế giới áp dụng tiến trình sản xuất 28 nm vào năm 2011. Công nghệ này có nhiều ứng dụng cho các sản phẩm khác nhau như bộ xử lý trung tâm CPU), bộ xử lý đồ họa (GPU), chip mạng tốc độ cao, điện thoại thông minh, bộ xử lý ứng dụng (AP), máy tính bảng, giải trí gia đình, điện tử tiêu dùng, ôtô, và IoT.
Theo hãng nghiên cứu Counterpoint, trong quý I/2022, 69,9% tổng số chip trên smartphone toàn cầu là do TSMC sản xuất, trong khi Samsung chiếm 30%. Tuy nhiên, nếu tính riêng phân khúc chip được sản xuất trên tiến trình 4 nm và 5 nm, Samsung dẫn đầu với tỷ lệ 60 %, so với 40% của TSMC. Hãng Đài Loan gần đây đang cạnh tranh quyết liệt với Samsung trong nghiên cứu và sản xuất công nghệ chip 3 nm.
Hoài Anh