Năm 2015, khi Jun Wei Yeo đang làm nghiên cứu liên quan tới các chính sách của Trung Quốc, anh được mời thuyết trình trước các học giả nước này ở một sự kiện tại Bắc Kinh. Sau bài thuyết trình, một số người, tự giới thiệu làm trong các tổ chức nghiên cứu vận động chính sách của Trung Quốc, tới bắt chuyện. Theo hồ sơ của tòa án Mỹ sau này, họ đề nghị trả cho anh mức thù lao cao nếu có thể "cung cấp các báo cáo và thông tin chính trị" mà chỉ người trong cuộc mới biết.
Anh nhận ra họ là điệp viên Trung Quốc, nhưng vẫn tiếp tục liên lạc. Ban đầu, Yeo được yêu cầu tìm kiếm thông tin về các nước Đông Nam Á, nhưng sau đó họ muốn biết sâu hơn về chính phủ Mỹ.
Để phục vụ yêu cầu trên, Yeo tạo một tài khoản tên Dickson Yeo trên trang tuyển dụng LinkedIn với nghề nghiệp là chuyên gia trong một công ty tư vấn giả mạo và săn tìm mục tiêu tại Mỹ. Anh cho biết nhận được hơn 400 CV và "90% trong số đó là những người làm trong quân đội và chính phủ Mỹ".
Tuần trước, giữa lúc mối quan hệ Mỹ - Trung diễn ra căng thẳng, Yeo, 39 tuổi, bị tòa án Mỹ buộc tội gián điệp và phải đối mặt với 10 năm tù giam.
Theo New York Times, các cơ quan tình báo phương Tây khuyến cáo LinkedIn, nền tảng hơn 700 triệu người dùng của Microsoft, đang trở thành công cụ tuyển dụng hữu hiệu, kể cả trong lĩnh vực tình báo.
Tháng 5/2019, Kevin Patrick Mallory, cựu nhân viên CIA, bị kết án 20 năm tù vì làm gián điệp cho Trung Quốc. Mallory cung cấp thông tin mật để đổi lấy 25.000 USD. Theo FBI, mối quan hệ giữa hai bên bắt đầu sau khi Mallory trả lời một tin nhắn trên LinkedIn từ một điệp viên Trung Quốc vào tháng 2/2017.
Tháng 10/2018, Bộ Tư Pháp Mỹ cáo buộc điệp viên Trung Quốc Yanjun Xu với tội danh gián điệp kinh tế sau khi người này tuyển dụng một kỹ sư GE Aviation thông qua LinkedIn.
Tương tự, một cựu nhân viên chính sách đối ngoại trong chính quyền Obama kể, vào tháng 5/2017, chỉ 5 tháng sau khi ông nghỉ việc và ngay khi kết thúc chuyến du lịch tại Trung Quốc, một người tự giới thiệu là Robinson Zhang đã nhắn tin cho ông qua LinkedIn.
Ảnh hồ sơ của Zhang là tấm hình tòa nhà chọc trời ở Hong Kong và người này nói mình là quản lý PR của công ty R&C Capital. "Tôi rất ấn tượng với CV của ông và nghĩ ông có thể phù hợp cho một vài vị trí với mức thu nhập cao", Zhang viết và khẳng định công ty sẽ trả tiền cho cựu nhân viên chính phủ này tới Trung Quốc phỏng vấn.
Một cựu nhân viên Nhà trắng phục vụ Obama cũng được một người kết bạn qua LinkedIn, giới thiệu là nghiên cứu sinh tại Viện Công nghệ California, có mối quan hệ với Nhà Trắng và các đại sứ. Nhưng trên thực tế, không có nghiên cứu sinh nào như vậy cả.
Parello-Plesner, một cựu nhân viên Bộ Ngoại giao Đan Mạch, nhận được lời mời tương tự năm 2011 bởi một phụ nữ có tên ofGrace Woowho. Người này tự giới thiệu là làm việc cho DRHR, một công ty săn đầu người ở Hàng Châu và muốn gặp mặt để trao đổi công việc tại Bắc Kinh. Tuy nhiên, tới gặp ông là ba người đàn ông trung niên, hứa hẹn ông sẽ được quyền tiếp cận các hệ thống của Trung Quốc để phục vụ công việc nghiên cứu, nếu đồng ý đầu quân cho công ty của họ.
DRHR là một trong ba công ty được các cơ quan tình báo Đức đề cập tới vào tháng 12/2017 như là những công ty bình phong của các điệp viên Trung Quốc. Những điệp viên này sử dụng LinkedIn để liên hệ và lôi kéo khoảng 10.000 người Đức. LinkedIn sau đó đó đóng một số tài khoản, trong đó có của DRHR và Woowho.
Tháng 10/2018, cơ quan tình báo Pháp cũng khuyến cáo chính phủ nước này về việc các điệp viên Trung Quốc sử dụng mạng xã hội, nhất là LinkedIn, để liên hệ với 4.000 người Pháp, chủ yếu là nhân viên chính phủ, nhà khoa học, người có vị trí cao trong doanh nghiệp...
"Chúng tôi thấy tình báo Trung Quốc đang hoạt động với quy mô lớn trên mạng xã hội", William R. Evanina, Giám đốc Trung tâm An ninh và Phản gián quốc gia (Mỹ), cho biết hồi tháng 8/2019. "Thay vì cử điệp viên tới Mỹ để tuyển một mục tiêu, họ tìm ra cách hiệu quả hơn là ngồi trước máy tính ở Trung Quốc và sử dụng tài khoản giả mạo để gửi lời mời kết bạn tới hàng nghìn mục tiêu cùng lúc".
Bên cạnh Facebook, Twitter và YouTube, LinkedIn cũng trở thành phương tiện để lan truyền tin sai sự thật và để tuyển dụng. Nền tảng này có hơn 700 triệu người dùng và là mạng xã hội có quy mô lớn duy nhất của Mỹ không bị chặn ở Trung Quốc.
Nicole Leverich, phát ngôn viên của LinkedIn, khẳng định công ty thường xuyên tìm kiếm và gỡ bỏ các tài khoản giả.
Minh Minh (theo NYTimes)