Đến tháng 7/2016, ba nhà mạng mạng lớn là Viettel, VNPT và MobiFone đã thử nghiệm 4G tại một số tỉnh thành. Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm, sau khi có kết quả nghiệm thu chương trình sẽ tiến hành cấp phép trong tháng 9 và chính thức đưa 4G vào vận hành trong năm nay.
Từ 2012, tiêu chuẩn mạng LTE-Advanced đã được Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) thông qua. Theo lý thuyết, việc triển khai tại Việt Nam chậm khoảng bốn năm. Hiện công nghệ mạng di động thế hệ thứ tư đã được khai thác tại 170 quốc gia, thông qua 521 nhà cung cấp và đã có hơn 5.600 thiết bị hỗ trợ.
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng, có những yếu tố khiến 4G tại Việt Nam chậm hơn, song hiện nay là thời chín muồi hợp để triển khai, phù hợp với tình hình trong nước. Khi mức sống của người dân dần được nâng cao, giá thiết bị, giá cước viễn thông ngày càng rẻ, thì 4G mới thật sự trở nên có ý nghĩa.
Đứng trên góc độ kỹ thuật, các chuyên gia của Qualcomm cho biết Việt Nam triển khai 4G chậm hơn so với một số nước trong khu vực, song việc đi sau cũng đem lại những lợi thế. "Ta đi chậm nhưng tiến chắc, bởi nhiều nước có sớm nhưng độ phủ sóng chưa rộng. Ngoài ra, Việt Nam còn tiến nhanh, đi tắt đón đầu và không khó để đuổi kịp thế giới khi triển khai luôn 4G LTE-Advanced, là công nghệ ưu việt", ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Đông Dương nói.
Theo chuyên gia này, ba nhà mạng về cơ bản đã thử nghiệm thành công 4G. Ngoài công nghệ hiện đại, băng tần sử dụng là 1.800 MHz và 2.600 MHz, phù hợp với xu thế chung của thế giới. Với băng tần phổ biến thì đa số các thiết bị đầu cuối sẽ tương thích, tạo thuận lợi trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Trên phương diện thương mại, ông Nam cho rằng việc người sử dụng quan tâm nhiều đến 4G khi bắt đầu thử nghiệm là tín hiệu tích cực. Hơn nữa, giá cước 4G cũng phù hợp khi không chênh lệch so với 3G. "Nếu với gói cước 3G, người dùng thường chỉ được 2 GB hay 3 GB thì với 4G có thể tăng gấp 10 lần mà giá tương đương", ông Nam chia sẻ.