Bình nóng lạnh là vật dụng không thể thiếu trong nhiều gia đình, đặc biệt là ở miền Bắc. Vào mùa lạnh, nước nóng được sử dụng trong nhiều hoạt động như rửa chén bát, giặt quần áo và tắm rửa. Thông thường, cần chờ 15 đến 20 phút sau khi bật bình mới có thể sử dụng do cơ chế dùng thanh đốt bên trong làm nóng nước truyền thống.
Bật bình nóng lạnh cả ngày có một số ưu điểm như bất kể khi nào cần, người dùng đều có nước nóng để sử dụng. Những ngày trời lạnh dưới 20 độ C, bình nước nóng dù dung tích lớn trên 30 lít vẫn khó đủ để 3 đến 4 người tắm liên tục, nên nhiều gia đình đã chọn bật liên tục để giảm chờ nước nóng. Tuy nhiên, cách làm này gây nhiều tranh cãi vì tiềm ẩn nhiều rủi ro về tính an toàn cũng như chi phí sử dụng điện lớn.
Bình nóng lạnh hoạt động tương tự ấm đun nước. Khi đạt nhiệt độ theo cài đặt, bình sẽ ngưng làm nóng. Nhưng khi xuống dưới ngưỡng mức nhiệt này, bình tiếp tục đun nóng trở lại. Quá trình này lặp đi lặp lại khiến điện năng tiêu hao rất nhiều. Theo một số thử nghiệm, gia đình 4 người một ngày sử dụng khoảng trung bình hơn 300 lít nước ấm, tiêu thụ từ 5 đến 8 số điện mỗi ngày. Do đó, lượng điện tiêu thụ riêng cho bình nước nóng có thể lên đến 300.000 đến 400.000 đồng mỗi tháng.
Ngoài ra, việc đun liên tục sẽ khiến thanh đun của máy nhanh bị hao mòn, đóng cặn canxi khi sử dụng. Thông thường, mỗi bình nước nóng cần bảo dưỡng ít nhất mỗi năm một lần (một số nhà sản xuất khuyến cáo 3 tháng một lần), đặc biệt là trước mùa lạnh do có nhu cầu sử dụng nhiều. Nếu không bảo dưỡng, sản phẩm sẽ phát sinh rủi ro về rò rỉ điện, cháy nổ hoặc hiệu quả làm nóng kém đi, tiêu hao nhiều điện năng hơn.
Trên thị trường hiện nay, một số loại bình được giới thiệu là không cần bảo trì do không sử dụng thanh anode, vỏ bằng thép không gỉ với khả năng chống ăn mòn cao, chịu được nhiệt độ lên đến 90 độ C. Tuy nhiên, về mặt tiêu thụ điện, các sản phẩm dạng này không đỡ tốn hơn đáng kể so với các dòng bình nóng lạnh thông thường, trong khi giá thành cao hơn gấp đôi so với cùng dung tích.