Trong khi hashtag liên quan đến các cuộc biểu tình ở Hong Kong đang lan rộng trên Twitter, Facebook, Instagram..., các nền tảng chia sẻ do Trung Quốc phát triển lại im ắng, trong đó có TikTok.
TikTok là ứng dụng kiêm mạng xã hội chia sẻ video do ByteDance, công ty có trụ sở tại Bắc Kinh, phát triển. Nó trở thành ứng dụng di động dành cho giới trẻ phổ biến ở Mỹ với hơn 110 triệu lượt tải về. Với hình động ngộ nghĩnh, những tiểu phẩm do người dùng tự dựng trên nền nhạc nhiều ca khúc đang thịnh hành, ứng dụng này nhanh chóng là nền tảng thành công nhất của Trung Quốc trên thị trường thế giới.
Nó cũng trở thành hiện tượng toàn cầu với số lượt tải về lên tới 1,3 tỷ, giữ vị trí ứng dụng được tải nhiều nhất trong suốt 18 tháng theo công ty nghiên cứu thị trường Senor Tower (Mỹ). Hai năm qua, người dùng Mỹ đã chia 37 triệu USD đầu tư vào tiền ảo tặng cho các nhà sáng tạo nội dung trên TikTok - cách kiếm tiền chủ yếu của công ty phát triển ứng dụng này.
Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu bày tỏ quan ngại TikTok có thể trở thành vũ khí của Trung Quốc trong cuộc chiến thông tin, định hướng góc nhìn của người dùng Mỹ đối với các sự kiện ngoài đời thực. Rohan Midha, Giám đốc điều hành công ty marketing PBYB (Anh) chuyên điều phối các thoả thuận giữa TikTok và KOL (người có tầm ảnh hưởng), nói: "Đa số người dùng ứng dụng này đều trẻ nên có thể dễ định hướng nhận thức của họ hơn".
ByteDance cho rằng các dữ liệu của người dùng Mỹ được lưu trữ ở chính nước sở tại. Các chính sách kiểm duyệt và nội dung áp dụng ở đây được chính một nhóm điều hành ở Mỹ thực hiện, chứ không bị ảnh hưởng bởi chính phủ Trung Quốc. Tuy vậy, mỗi khi báo chí yêu cầu phỏng vấn những người điều hành đó, ByteDance đều từ chối.
ByteDance giải thích TikTok chỉ là nơi giải trí, không liên quan đến chính trị, khán giả chỉ quan tâm đến những nội dung tích cực, vui vẻ nên các chủ đề nhạy cảm như biểu tình ở Hong Kong không xuất hiện trên nền tảng này.
Để hiểu cách thức kiểm duyệt video trên TikTok rất khó bởi nguyên nhân dẫn quyết định gỡ bỏ nội dung cũng vô cùng mơ hồ. Họ không cung cấp thông tin về lý do gỡ video, cũng không đưa ra công cụ nào hỗ trợ tác vụ tương tự cho các bên nghiên cứu bên ngoài. Họ chỉ nói mình sử dụng con người và thuật toán để làm công tác kiểm duyệt. Năm ngoái, một quản lý của hãng cho biết đã thuê 10.000 nhân viên chỉ để đánh dấu và xoá nội dung vi phạm, sau khi các nhà cầm quyền Trung Quốc nói rằng TikTok có "nội dung không phù hợp".
Tháng trước, Facebook, Twitter và YouTube đã xoá hàng loạt tài khoản đưa tin sai về biểu tình ở Hong Kong. Giới quan sát cho rằng TikTok cũng có thể lấy lý do tương tự để tác động đến góc nhìn của thế giới.
Biểu tình ở Hong Kong bùng phát hồi đầu tháng 6 với các cuộc tuần hành trên đường phố để phản đối dự luật dẫn độ, cho phép Hong Kong đưa nghi phạm sang các khu vực chưa có hiệp ước dẫn độ, gồm cả Trung Quốc đại lục. Đa số cuộc biểu tình diễn ra ôn hoà, song cũng có lúc người biểu tình đụng độ với cảnh sát, xông vào đập phá trụ sở Hội đồng Lập pháp và tấn công Văn phòng Liên lạc Bắc Kinh tại Hong Kong.
Đức Trí (theo WashingtonPost)