Giai đoạn phát triển thần kỳ của TikTok nhờ vào sự phổ biến của Internet và smartphone tại quê nhà Trung Quốc có thể sắp chấm dứt. Tốc độ tăng trưởng người dùng mới của TikTok tại thị trường tỷ dân này đang chững lại, không chỉ vậy, nền tảng này còn phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ các nền tảng trong nước.
Với việc Microsoft từ bỏ cuộc đua mua lại TikTok ở Mỹ, Oracle trở thành ứng cử viên tiềm năng hàng đầu có thể cứu ứng dụng này khỏi nguy cơ bị cấm từ chính quyền Trump. Công ty mẹ của TikTok, ByteDance, khả năng cao sẽ chỉ chọn gã khổng lồ phần mềm làm đối tác công nghệ tại Mỹ nhằm quản lý dữ liệu người dùng chứ không bán thuật toán gây nghiện.
Các cuộc đàm phán đã được tổ chức sau khi Trung Quốc tuyên bố vào tháng trước rằng họ sẽ cấm chuyển giao công nghệ của TikTok ra nước ngoài. Quan hệ đối tác với Oracle có lẽ sẽ dễ chấp nhận hơn đối với Bắc Kinh khi chính quyền nước này từ trước đến nay luôn mong muốn các công ty nước ngoài phải liên doanh với các đối tác địa phương để kinh doanh tại Trung Quốc.
Đối với người sáng lập của ByteDance, Zhang Yiming, thỏa thuận tại Mỹ có thể xác định số phận công ty 8 năm tuổi của ông. ByteDance sẽ trở thành một công ty công nghệ tầm cỡ toàn cầu hay chỉ còn là một "người khổng lồ" ở Trung Quốc, nơi thị trường Internet đang bão hòa và cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Trong thập kỷ vừa qua, nhờ mở cửa nền kinh tế và sự ra đời của các tài năng công nghệ, Trung Quốc đã tạo nên nhiều kỳ tích đáng nể về công nghệ mà tưởng chừng chỉ Thung lũng Silicon mới có. Trung Quốc vẫn là một thị trường khổng lồ với sức chi tiêu mạnh, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của nó đang chậm lại. Số lượng người sử dụng Internet của Trung Quốc đang đạt đến giới hạn tự nhiên với 900 triệu người trên 1,4 tỷ dân.
Zhang Xueru, nhà phân tích tại 86Research, cho biết: "Hiện thị trường Internet Trung Quốc không còn nhiều tiềm năng để tăng thời gian sử dụng của người dùng. Mức độ tăng trưởng trong thị trường quảng cáo kỹ thuật số cũng đã chậm hơn nhiều so với trước đây".
CEO Zhang Yiming sớm tin rằng chỉ khi ByteDance vươn mình ra thị trường quốc tế, công ty mới có thể cạnh tranh công bằng với Google, Facebook hay Amazon. Trong giai đoạn phát triển ByteDance, Zhang Yiming luôn khuyến khích nhân viên áp dụng cái mà vị CEO này gọi là quan điểm "Người Sao Hỏa" trong kinh doanh. Ông muốn mọi người nghĩ về ByteDance không phải như một công ty Trung Quốc mở rộng ra thị trường toàn cầu, mà là một doanh nghiệp toàn cầu vốn có, không có xuất phát điểm hay thành kiến quốc gia.
Tuy nhiên, sự cảnh giác ngày càng tăng với công nghệ của Trung Quốc đã khiến tầm nhìn của Zhang có vẻ khó đạt được. Từ trước đến nay, Mỹ chưa bao giờ có thái độ kìm hãm một công ty khởi nghiệp Trung Quốc nào như ByteDance. Ấn Độ đã cấm TikTok vào tháng 6 cũng vì lý do an ninh quốc gia. Nhiều chính phủ châu Âu đang né tránh việc sử dụng thiết bị viễn thông của Trung Quốc vì lo ngại gián điệp. Các đối thủ của ByteDance ở Trung Quốc không phải bây giờ mới nhận ra việc mở rộng ra nước ngoài khó khăn như thế nào.
Tencent là công ty có ảnh hướng mạnh mẽ trên toàn cầu trong lĩnh vực trò chơi điện tử thông qua việc nắm giữ các nhà phát triển bao gồm Epic Games và Riot Games. Tuy nhiên, Tencent hầu như thất bại trong việc xuất khẩu sản phẩm nổi tiếng nhất của mình, WeChat. Ấn Độ mới đây đã cấm phiên bản di động của trò chơi bắn súng PlayerUnknown’s Battlegrounds do Tencent phân phối tại nước này. Một gã khổng lồ khác về Internet là Alibaba, vẫn phụ thuộc hơn 90% doanh thu vào thị trường trong nước mặc dù đã đầu tư nhiều năm ra thị trường nước ngoài.
"Các hoạt động kinh doanh của Tencent rất đa dạng với nhiều nguồn doanh thu, do đó, chúng tôi kỳ vọng sẽ tạo ra sự tăng trưởng bền vững trong những năm tới. Thị trường Trung Quốc vẫn tiếp tục mang đến những cơ hội to lớn", đại diện của Tencent cho biết, công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu việc mở rộng ra nước ngoài.
Trong khi đó TikTok hầu như chả được ai biết đến ở Trung Quốc. Ở đó, ứng dụng "anh em" của nó, Douyin, mới là cái tên được mọi nhà quảng cáo yêu thích. Theo công ty nghiên cứu Bernstein, ByteDance hiện chiếm khoảng 1/5 doanh thu quảng cáo trực tuyến ở Trung Quốc, lớn hơn cả Tencent và công cụ tìm kiếm Baidu. Theo iResearch, thị trường quảng cáo trực tuyến của quốc gia này trị giá 95 tỷ USD vào năm ngoái.
Để chiếm được một miếng bánh thị phần lớn hơn sẽ không hề dễ dàng, ngay cả khi ByteDance đã nhiều năm đầu tư phát triển một nhóm các ứng dụng khác nhằm mục đích chinh phục hàng tỷ người sử dụng Trung Quốc.
Ngoài Douyin, ByteDance còn triển khai hai ứng dụng video khác là Xigua và Huoshan. Trang tổng hợp tin tức, Jinri Toutiao, là nền tảng tin tức đầu tiên của Trung Quốc và vẫn là ứng dụng được yêu thích nhất hiện nay. ByteDance còn tham vọng xây dựng bộ phận phát triển game và âm nhạc của riêng mình. Hiện nay công ty này đã sở hữu ứng dụng sách điện tử, ứng dụng mua sắm, dịch vụ học tập trực tuyến, trang web mua xe hơi, nền tảng dịch vụ đám mây và bộ ứng dụng văn phòng.
Ở Trung Quốc, ByteDance vẫn có thể cố gắng sử dụng Douyin, ước tính có khoảng 300 triệu người dùng hàng ngày, để thu hút nhiều người hơn về các sản phẩm khác của mình - chẳng hạn các ứng dụng giáo dục.
Ông Turner Novak, tại Gelt Venture Capital, lưu ý rằng các công ty trò chơi điện tử là những nhà quảng cáo lớn trên Douyin và TikTok, điều này cho thấy rằng ByteDance cũng có thể kiếm được nhiều tiền bằng cách quảng cáo trò chơi của chính mình trên các nền tảng đó.
Việc chinh phục ngành bán lẻ trực tuyến với ByteDance có thể sẽ khó khăn hơn dự tính. Công ty này đang cố gắng biến Douyin thành Mạng mua sắm tại nhà dành cho thời đại di động. Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ bị thuyết phục mua hàng.
Shawn Yang, một nhà phân tích ở Thâm Quyến thuộc ngân hàng đầu tư Blue Lotus Capital Advisors, cho biết: "Thương mại điện tử không chỉ phụ thuộc vào lưu lượng truy cập. Thương mại điện tử cũng là về dịch vụ, về chất lượng sản phẩm, về hậu cần, thanh toán. Toàn bộ quá trình này rất phức tạp, có nghĩa là nó không dễ như trò chơi hoặc quảng cáo trực tuyến".
Hiện ByteDance vẫn có thể tìm thấy thành công dựa trên những gì công ty biết rõ nhất. Con đường sử dụng các video ngắn gọn, hấp dẫn làm phương tiện không chỉ để giải trí mà còn để học tập hoặc thậm chí tuyển dụng và hẹn hò.
Eugene Wei, một nhà đầu tư ở San Francisco, lập luận rằng các video ngắn chỉ phù hợp với một công cụ đề xuất như TikTok. Không giống các bài báo hay video dài, video ngắn do người dùng tự tạo trên TikTok rất dễ "gây nghiện". Mọi người tạo ra một lượng lớn dữ liệu về thị hiếu của chính mình bằng cách sử dụng ứng dụng TikTok. ByteDance sau đó chạy lại dữ liệu này vào hệ thống của mình để cải thiện các đề xuất của nó, khiến người dùng càng gắn chặt vào ứng dụng.
Ông Wei thừa nhận: "Bạn cần sự sáng tạo để chuyển thể một ứng dụng chia sẻ video ngắn sang các lĩnh vực kinh doanh mới. Nhưng thực tế là ByteDance đã đi trên con đường đó một lần, có nghĩa là bạn chỉ cần tin vào nó nhiều hơn vào lần sau".
Đăng Thiên (theo NYTimes)