Theo Atlanta Journal-Constitution, 250 nhà khoa học và chuyên gia đã cùng ký một bản kiến nghị gửi lên Liên Hợp Quốc (UN) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nêu rõ nguy cơ bị ung thư từ các loại tai nghe không dây. Công nghệ Bluetooth kết nối giữa tai nghe và thiết bị phát nhạc được cho là nguyên nhân dẫn đến tác hại không mong muốn.
Cụ thể, công nghệ Bluetooth hiện tại sử dụng sóng vô tuyến tần số điện từ (EMF) để truyền dữ liệu. Việc sóng này liên tục truyền đến tai nghe có thể tác động đến hộp sọ và điều này được coi là nguy hiểm.
Theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế, EMF có thể gây ung thư cho con người. Bên cạnh đó, mức độ tiếp xúc cao với loại sóng này còn gây ra các vấn đề về thần kinh và tổn thương DNA.
"Dựa trên nghiên cứu đã công bố, chúng tôi có những lo ngại nghiêm trọng về sự tiếp xúc phổ biến và ngày càng tăng đối với EMF tạo ra bởi thiết bị điện và không dây", trích nội dung bản kiến nghị.
EMF trên những loại tai nghe như AirPods ở ngưỡng cho phép của WHO, nhưng vấn đề an toàn của nó khi sử dụng lâu dài vẫn là dấu chấm hỏi.
Theo Gartner, đến 2022, thiết bị đeo tai sẽ là sản phẩm phổ biến, với 158,43 triệu chiếc xuất xưởng.
Bản kiến nghị của các nhà khoa học lần đầu được công bố vào năm 2015 và trình lên WHO, gần đây được chỉnh sửa và bổ sung.
Bảo Lâm