Toà án liên bang tại Texas (Mỹ) mới đây đã tiếp nhận đơn kiện một trong các Giám đốc điều hành Huawei vì nghi ngờ lấy cắp bí mật thương mại của CNEX. Đây là công ty vi mạch có trụ sở ở San Jose, California (Mỹ) và được hỗ trợ bởi hai "gã khổng lồ" công nghệ là Dell và Microsoft.
Đơn kiện lần đầu được gửi vào tháng 11 năm ngoái và có thêm tình tiết, hồ sơ mới được cập nhật vào cuối tháng này. Dự kiến phiên xét xử sẽ diễn ra ngày 3/6 tới.
Theo CNBC, CNEX cáo buộc Eric Xu, Chủ tịch luân phiên của Huawei đã chỉ đạo một nhân viên đóng giả làm khách hàng tiềm năng của công ty để có được các tài liệu thương mại bí mật. Người này sau đó gửi chúng cho bộ phận nghiên cứu và phát triển chip của Huawei.
Trong khi đó, nguồn tin của Reuters nói CNEX cũng phát hiện Huawei đã lấy trộm bí mật công nghệ liên quan đến mạch điều khiển ổ cứng thể rắn thông qua mối quan hệ ngầm với đại học Xiamen (Trung Quốc). Bo Mao, một Giáo sư của trường đại học này yêu cầu một trong những bảng mạch mới của CNEX để phục vụ cho dự án nghiên cứu. Ông Mao khi đó phải ký cam kết không được tiết lộ và bảo vệ nghiêm ngặt thông tin về bảng mạch. Tuy nhiên, không rõ vì lý do gì, bảng mạch và các thông tin liên quan lại nằm trong tay của Huawei, theo CNEX.
Tuy nhiên, Yiren Huang, một trong những người sáng lập của CNEX cũng bị Huawei kiện vì lý do tương tự vào năm 2017. Hãng smartphone của Trung Quốc cáo buộc Huang, cựu nhân viên của chính Huawei đã lấy trộm các bí mật thương mại và sử dụng chúng để thành lập CNEX. Huawei vì vậy phải có các quyền sử dụng bằng sáng chế mà CNEX đã đăng ký.
Thời điểm đó, công ty vi mạch Mỹ cho rằng Huawei lợi dụng vụ kiện và cách thức điều tra để truy cập sâu hơn vào các tài liệu công nghệ của mình. Tuần trước, tòa án liên bang ở California (Mỹ) đã bác tuyên bố của Huawei về quyền sở hữu với các bằng sáng chế do CNEX đăng ký. Tuy nhiên, Huawei vẫn còn một đơn kiện rằng Huang đã tuyển dụng không đúng cách với các đồng nghiệp cũ cùng làm ở Huawei sang công ty mới CNEX.
Vụ kiện diễn ra trong bối cảnh Huawei bị cấm mua các bộ phận và linh kiện từ công ty Mỹ, nếu không có sự chấp thuận của chính phủ Mỹ. Danh sách các công ty lớn dừng hợp tác với hãng smartphone Trung Quốc ngày càng được nối dài như Google, ARM, Intel, Qualcomm, Xilinx, Toshiba....