Huawei mở đầu năm 2019 với những thành tích đáng nể, là hãng cung cấp thiết bị viễn thông số một thế giới và vượt qua Apple để trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai toàn cầu ngay trong quý đầu năm. Huawei đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ với mục tiêu đe dọa ngôi vương về smartphone của Samsung, nhưng bị ngáng đường vào ngày 15/5 khi Mỹ đưa Huawei vào danh sách những công ty "có nguy cơ gây ra những vấn đề an ninh quốc gia", đồng thời cấm các doanh nghiệp Mỹ kinh doanh hợp tác hãng Trung Quốc.
Một ngày sau khi lệnh cấm được ban hành, Huawei ra thông cáo đầu tiên, khẳng định việc bị hạn chế kinh doanh ở Mỹ chỉ dẫn đến kết cục là Mỹ sẽ bị "tụt lại phía sau" vì Huawei là "người dẫn đầu không ai sánh kịp về công nghệ 5G".
Sáu tuần lao đao của Huawei
Ngày 19/5, Google trở thành hãng công nghệ Mỹ đầu tiên tuân thủ lệnh cấm khi rút giấy phép sử dụng Android của Huawei, thậm chí smartphone Huawei bị xóa khỏi danh sách thiết bị Android bảo mật cho doanh nghiệp. Sau động thái của Google, lần lượt các hãng chip Mỹ như Intel, Qualcomm, Xilinx... không tiếp tục cung cấp linh kiện, trong khi ARM cũng tuyên bố dừng kinh doanh với hãng công nghệ Trung Quốc.
Nhiều trường đại học Mỹ chấm dứt hợp tác nghiên cứu với Huawei do tuân thủ lệnh cấm của chính phủ, trong khi bản thân công ty con của Huawei tại Mỹ là Futurewei phải âm thầm chuyển sang hoạt động độc lập, tách khỏi công ty mẹ.
Dù Huawei khẳng định đã biết lệnh cấm sớm muộn cũng xảy ra nên đã tích trữ đủ linh kiện cũng như có "kế hoạch B" trong việc phát triển hệ điều hành riêng cho điện thoại và máy chủ, họ vẫn phải liên tiếp đón nhận những tin không vui, nhất là trên thị trường smartphone.
Nỗi lo smartphone không thể cập nhật Android khiến làn sóng bán máy Huawei với giá rẻ diễn ra ở nhiều nước. Nhân viên của nhà mạng O2 và Vodafone ở Anh tiết lộ, các khách hàng tiềm năng tỏ ra do dự khi mua điện thoại Huawei, thậm chí có người cố trả lại điện thoại đã mua sau khi biết về lệnh cấm của Mỹ. Trong khi đó, một loạt nhà mạng châu Âu ngừng một số đơn đặt hàng hoặc hoãn phát hành các mẫu điện thoại mới của Huawei.
Theo tạp chí Nikkei, số đơn đặt hàng của Huawei với các nhà cung ứng linh kiện ở châu Á đã giảm 30%. TSMC, công ty sản xuất chip bán dẫn lớn của Đài Loan, cho biết các đơn hàng của Huawei "bị điều chỉnh giảm" từ cuối tháng 5. Dữ liệu nội bộ của Huawei cho thấy lượng điện thoại thông minh bán được năm nay của công ty có thể giảm từ 40 triệu đến 60 triệu máy.
Tại triển lãm công nghệ CES châu Á giữa tháng 6, Shao Yang, Giám đốc chiến lược mảng tiêu dùng của Huawei, cho biết hãng cần "chờ thêm một chút thời gian nữa" mới có thể hoàn thành mục tiêu trở thành nhà sản xuất smartphone hàng đầu, nhưng từ chối đưa ra lý do cụ thể.
Ngày 17/6, trong cuộc họp tại trụ sở ở Thâm Quyến, ông Nhậm Chính Phi, nhà sáng lập Huawei thừa nhận đã đánh giá thấp lệnh cấm, dự báo số smartphone họ bán ra trên thị trường quốc tế có thể giảm tới 40% trong khi doanh thu ước tính thiệt hại khoảng 30 tỷ USD trong vòng hai năm tới. Đây là lần đầu tiên Huawei ước tính mức độ ảnh hưởng từ các động thái của Mỹ lên hoạt động của công ty.
Doanh nghiệp Mỹ cũng bị ảnh hưởng từ lệnh cấm
Những hậu quả mà Huawei phải gánh chịu không nhỏ, nhưng giới phân tích cho rằng các công ty Mỹ cũng gặp tổn thất lớn bởi đang bán "một lượng sản phẩm khổng lồ" cho công ty Trung Quốc.
Năm 2018, Huawei chi 11 tỷ USD cho các doanh nghiệp Mỹ, như mua linh kiện từ Qualcomm, Broadcom, Micron, Intel..., giấy phép sử dụng phần mềm từ Microsoft và hệ điều hành Android của Google... Huawei cho biết lệnh cấm gây tổn hại về mặt kinh tế cho các công ty Mỹ đang làm ăn với hãng, tác động tới việc làm của hàng chục nghìn người và làm sụp đổ sự hợp tác, sự tin cậy lẫn nhau đang tồn tại trên chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong số đó, Micron coi Huawei là một trong những khách hàng lớn nhất và đang đối mặt với tình trạng sụt giảm doanh thu. Doanh số linh kiện smartphone ở thị trường quốc tế của hãng giảm 40% trong vài tuần qua ngay sau khi Huawei bị đưa vào danh sách đen.
Micron tuần trước cho biết đang tìm cách đi đường vòng để tránh lệnh cấm, còn Intel cũng được cho là đang thực hiện chiến lược tương tự. Báo New York Times cho biết một trong những cách mà các hãng chip Mỹ áp dụng là bán những mặt hàng được sản xuất bên ngoài lãnh thổ Mỹ, vốn không bị điều chỉnh bởi lệnh cấm của Trump.
Trong khi đó, hãng nghiên cứu Nomura Instinet ước tính doanh thu của Google có nguy cơ bị giảm từ 375 triệu đến 425 triệu USD do không còn cấp phép bản quyền Android cho Huawei nên người dùng của hãng Trung Quốc này không thể tải ứng dụng từ Google Play.
Hành động của Huawei
Trong suốt một tháng rưỡi qua, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi liên tục xuất hiện trước giới truyền thông, đưa ra những phát biểu vừa mang tính cảnh báo, vừa xoa dịu với mục tiêu đảo ngược quyết định của Mỹ.
"Tôi biết ơn các công ty Mỹ vì họ đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của Huawei cũng như việc họ nỗ lực thuyết phục chính phủ Mỹ để tiếp tục hợp tác với chúng tôi. Chúng ta luôn cần những chipset do Mỹ phát triển và chúng ta không thể bài trừ hàng Mỹ với một suy nghĩ hạn hẹp", ông Nhậm trả lời báo chí tại trụ sở của Huawei ở Thẩm Quyến (Trung Quốc) ngày 21/5.
Tuy nhiên, trả lời Bloomberg vài ngày sau đó, ông chủ Huawei lại nhấn mạnh: "Chúng tôi đi trước Mỹ. Mỹ thậm chí còn chẳng có những công nghệ đó. Nếu chúng tôi đi sau, chính quyền Trump sẽ chẳng cần cố tấn công chúng tôi".
Đến 17/6, ông lại tuyên bố công nghệ của Mỹ là thượng nguồn: "Mỹ đã phát triển công nghệ của mình từ cách đây 100-200 năm và có nền tảng vững chắc về sáng tạo, trong khi Trung Quốc đang gắng bắt kịp. Mỹ giống như nước thượng nguồn, chảy về hạ nguồn". Ông tin sẽ không có ai chiến thắng trong cuộc "chiến tranh lạnh công nghệ" giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời mong muốn hai nước hợp sức lại để cùng phát triển thay vì đối đầu nhau.
Trong khi đó, Huawei cũng gấp rút chuẩn bị cho các phương án dự phòng. Họ đã huy động hàng nghìn nhà phát triển làm việc theo ba ca mỗi ngày ở các văn phòng Thượng Hải, Thẩm Quyến và Tây An với mục tiêu thoát khỏi sự phụ thuộc vào phần mềm và vi xử lý của Mỹ. Họ phát triển những dòng chip riêng và xây dựng hệ điều hành cho smartphone, mang tên Hongmeng hay Ark OS, dự kiến trình làng cuối năm nay.
Ngày 29/6, trong cuộc họp báo bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông chưa thể đưa Huawei ra khỏi danh sách các công ty nước ngoài có khả năng đe doạ an ninh quốc gia, nhưng sẽ cho phép Huawei mua hàng của các doanh nghiệp Mỹ trở lại.
Huawei đánh giá động thái này là "bước ngoặt" và đang chờ quyết định chính thức từ Bộ Thương mại Mỹ. Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow nói với Fox News rằng tuyên bố của ông Trump không phải là sự "ân xá" và Huawei chỉ được phép giao dịch tại Mỹ nếu hoạt động đó không gây ra những lo ngại về an ninh quốc gia.
Dù kết quả thế nào, Huawei cũng cần một thời gian dài để giải quyết những hậu quả mà lệnh cấm đã để lại trong sáu tuần qua, đặc biệt là thiệt hại về danh tiếng và lòng tin của người dùng, mà theo The Next Web là "sẽ cần vài năm để khôi phục".