"Công ty đã sẵn sàng cho một số kế hoạch khi nguồn cung linh kiện thiếu hụt, nhưng chỉ thời gian ngắn. Nếu virus Corona còn lan rộng đến tháng 3 hoặc tháng 4, chúng tôi sẽ gặp rắc rối nghiêm trọng", SN Rai, đồng sáng lập hãng sản xuất smartphone Lava, lo ngại.
Theo Reuters, Ấn Độ hiện là nước sản xuất smartphone thứ hai thế giới sau Trung Quốc nhưng vẫn phụ thuộc nước này ở hầu hết thành phần linh kiện, chủ yếu là cell pin, tấm nền màn hình, module máy ảnh và bảng mạch.
Tại Ấn Độ, Foxconn và Wistron của Đài Loan sản xuất iPhone cho Apple và một số model khác cho Xiaomi. Trong khi đó, Samsung và OnePlus cũng đặt nhiều nhà máy.
"Một số linh kiện có thể nhập từ Hàn Quốc, Việt Nam hoặc Đài Loan. Tuy nhiên, chúng tôi muốn nghĩ đến chúng như 'sách lược cuối cùng', vì nó buộc công ty phải thay đổi nhiều thứ, kể cả về thiết kế lẫn phần mềm", Rai chia sẻ.
Một công ty sản xuất điện thoại khác tại Ấn Độ lo ngại, việc đình chỉ các chuyến bay từ nước này đến Trung Quốc có thể gây tác động tiêu cực, bởi điều này đồng nghĩa với việc vận chuyển chuyên gia, máy móc, linh kiện... bị hạn chế hơn so với trước.
Trong khi đó, đại diện OnePlus cho biết các hoạt động tại Ấn Độ không bị ảnh hưởng nhiều trong thời gian ngắn. "OnePlus có dây chuyền sản xuất tại Ấn Độ từ lâu và dự trữ đủ linh kiện. Thậm chí, nếu khó khăn, chúng tôi sẽ huy động nguồn cung trực tiếp từ thị trường khác", Vikas Agarwal, người đứng đầu OnePlus Ấn Độ, cho biết.
Không chỉ các hãng điện thoại, nhiều công ty ôtô cũng lo lắng. Tata Motors - một trong những doanh nghiệp ôtô lớn thế giới và Ấn Độ - thừa nhận đang lo ngại virus Corona có thể tác động lớn về doanh thu và lợi nhuận của công ty.
Theo trang Aljazeera, hiện tại ngành công nghiệp Ấn Độ hy vọng dịch viêm phổi Vũ Hán được ngăn chặn càng sớm càng tốt. "Nếu tình hình dịch bệnh chưa kiểm soát sau 10/2, chúng ta đang gặp phải vấn đề thực sự", Pankaj Mohindroo, người đứng đầu Hiệp hội Điện tử Ấn Độ, lo ngại.
Bảo Lâm