Theo The Verge, nữ nhiếp ảnh Dunja Djudjic nghi ngờ Samsung Malaysia đã mua bản quyền sử dụng ảnh từ trang web EyeEm, sau đó dùng để quảng cáo khả năng chụp chân dung trên Galaxy A8 Star. Tuy nhiên, Djudjic cho biết bức ảnh này không hề được chụp bằng A8 Star mà từ chiếc DSLR cô đang sử dụng.
Samsung không trực tiếp nói bức ảnh được chụp bằng Galaxy A8 Star, nhưng họ lại dùng để minh họa chế độ chụp chân dung của điện thoại. Website của công ty cũng không lưu ý với người xem rằng hình ảnh họ sử dụng chỉ mang tính minh họa.
Ảnh của Djudjic cũng được chỉnh sửa, chủ thể được cắt ra từ phông nền cũ, sau đó dán lên một phông nền khác. Khuôn mặt sau đó được chỉnh màu để phù hợp với bối cảnh mới. Djudjic gọi đây là một thao tác biên tập kém chất lượng, gọi nố như là một "franken-image", kiểu ảnh chắp như quái vật Frankenstein.
Trước đó vào tháng 8, một một người dùng Twitter cũng phát hiện Samsung sử dụng ảnh stock, có thể được chụp bởi camera DSLR, để quảng cáo camera trước trên Galaxy A8. Người này đã đăng ảnh chụp màn hình các tweet của Samsung Brazil bên cạnh những bức ảnh tương tự mà anh tìm thấy trong kho lưu trữ của Getty Images.
Cũng trong tháng đó, thương hiệu Trung Quốc Huawei bị tố dùng máy DSLR để quảng cáo cho camera điện thoại với phiên bản Nova 3. Còn cách đây vài ngày, Samsung Nigeria 'dùng nhầm' iPhone để đăng quảng cáo về Note9 trên Twitter.