Giải trình trước Quốc hội về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) sáng 22/6, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng việc quản lý trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây và dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (OTT) cần được đưa vào dự thảo để đảm bảo tính chính danh. Đây là thiết chế cần thiết giúp giải quyết tranh chấp, vấn đề phát sinh giữa các doanh nghiệp, đảm bảo chất lượng phục vụ và sự phát triển theo chiến lược, theo quy hoạch, tiêu chuẩn.
Về các dịch vụ OTT, ông Hùng cho rằng đây là loại hình viễn thông không hạ tầng, người dùng dễ thay đổi nhà cung cấp do thủ tục đơn giản, thị trường rất cạnh tranh. "Quản lý cần mềm hơn, nhẹ tay hơn, không phát sinh thêm nhiều chi phí, tuân thủ cho nhà cung cấp dịch vụ. Quản lý thì mức tối thiểu, nhưng xử lý thì nghiêm minh", ông nói.
Bộ trưởng cũng nhắc lại quan điểm việc quản lý nhà cung cấp dịch vụ không phân biệt lớn hay nhỏ, thu tiền hay không thu tiền, trong nước hay ngoài nước. Tuy nhiên, các nhà cung cấp phải minh bạch thông tin đối với khách hàng về giá, điều kiện hợp đồng và chất lượng dịch vụ; bảo mật thông tin cũng như phối hợp với cơ quan chức năng khi được yêu cầu. Ngược lại, việc xác thực đăng ký sử dụng cũng phải đảm bảo chặt chẽ, như khách hàng sử dụng dịch vụ phải có thông tin, số điện thoại.
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ báo cáo Chính phủ cân nhắc giảm nhẹ các điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Còn về hạ tầng viễn thông thiết yếu, ông Hùng cho rằng các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ, ưu tiên. "Nhà nước ban hành quy hoạch, quy định, quy chuẩn về sử dụng chung hạ tầng giữa các doanh nghiệp viễn thông, với các ngành khác để đảm bảo hiệu quả đầu tư và mỹ quan đô thị", ông nói.
Tham gia thảo luận trước đó, đại biểu Vương Quốc Thắng, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp - Đại học Quốc gia Hà Nội, đồng tình dự thảo mở rộng phạm vi quản lý đối với dịch vụ OTT. Việc này sẽ giúp điều chỉnh kịp thời các ứng dụng mới xuất hiện trên nền tảng Internet, đồng thời cần chế tài đảm bảo an ninh mạng và quyền lợi người dùng.
Tuy nhiên, ông đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tính toán thật hợp lý, vì nếu quản chặt quá sẽ ảnh hưởng đến việc khuyến khích dịch vụ mới phát triển, cản trở hoạt động đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.
"Cần quản lý ở mức độ phù hợp với dịch vụ xuyên biên giới, đảm bảo không ảnh hưởng đến vấn đề đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, môi trường hoạt động kinh doanh", ông nói và đề nghị tham khảo kinh nghiệm quản lý ở các nước để đảm bảo khả thi, phù hợp quy ước quốc tế.
Trong khi đó, trong cuộc họp ngày 10/6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây và dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet là ba vấn đề lớn trong dự thảo. "Việc có đưa vào luật để điều chỉnh không và điều chỉnh thế nào đang còn nhiều quan điểm", ông Huệ cho biết.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị cân nhắc mức độ phù hợp, hạn chế ảnh hưởng hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Theo ông, quy định cần có độ mở, không phải cái gì cũng đưa hết vào luật để trói tay trói chân khiến doanh nghiệp phản ứng.