Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) vừa liệt hàng loạt công ty liên quan đến "tìm kiếm, phương tiện truyền thông xã hội và một số dịch vụ bán lẻ trực tuyến" vào danh sách "xem xét kỹ lưỡng" sau một số cuộc thăm dò trên diện rộng. Dù không nhắc đến tên bất cứ doanh nghiệp nào, các dự đoán cho rằng DOJ đang nhắm đến Facebook, Google, Amazon hay Apple.
Đại diện DOJ cho biết, cơ quan này đang đánh giá các doanh nghiệp nằm trong tầm ngắm và xem xét liệu họ có "lợi dụng sự đứng đầu thị trường để tác động đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp khác", cũng như "kìm hãm sự đổi mới" hoặc "làm hại người tiêu dùng" hay không.
Bên cạnh đó, các công ty Mỹ cũng sẽ bị điều tra nhiều vấn đề khác, trong đó có việc làm thế nào họ phát triển về quy mô và sức mạnh, mở rộng lĩnh vực kinh doanh, cũng như cách những doanh nghiệp này sử dụng quyền lực đi kèm dựa trên mạng lưới người dùng lớn.
"Nếu việc kỷ luật trong cạnh tranh không có ý nghĩa, các nền tảng kỹ thuật số có thể hành động theo cách riêng, không đáp ứng nhu cầu của người dùng. Đánh giá chống độc quyền sẽ giảm thiểu vấn đề quan trọng đó", Trợ lý Tổng chưởng lý Makan Delrahim, người đứng đầu Bộ phận Chống độc quyền của DOJ, cho biết trong một tuyên bố.
Tháng trước, một báo cáo cho thấy DOJ đang chuẩn bị một cuộc điều tra nhắm vào Google, nhằm xác định xem liệu "gã khổng lồ tìm kiếm có vi phạm luật chống độc quyền hay không. Trong khi đó, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ cũng có những lo ngại tương tự. Các cuộc điều tra chống độc quyền đối với công ty Mỹ cũng diễn ra tại Liên minh Châu Âu.
Một số chuyên gia đánh giá, việc các "ông lớn" công nghệ Mỹ bị lọt vào tầm ngắm của chính phủ là điều sớm muộn sẽ xảy ra. Daniel Ives, một nhà phân tích tại công ty nghiên cứu Wedbush Securities, nhận định cuộc điều tra của DoJ là một "cú hích lớn". Tuy nhiên, chuyên gia này cũng lo ngại kết quả cuối cùng có thể khiến những cái tên bị điều tra phải "điều chỉnh mô hình kinh doanh" hoặc trong trường hợp xấu nhất là bị phạt tiền, hoặc rời bỏ các công ty con.
Các hãng công nghệ Mỹ cũng đang phải đối mặt với sự phản ứng dữ dội trên toàn cầu. Với quá nhiều quyền lực, họ bị không ít chính phủ, tổ chức lo ngại sẽ gây hại cho người dùng và đối thủ kinh doanh.
Google và Apple từ chối bình luận, trong khi Facebook và Amazon chưa đưa ra nhận xét nào.
Bảo Lâm (theo BBC)