"Đây là chiếc iPhone mới 100%, mình chỉ kích hoạt và gửi IMEI cho khách hàng kiểm tra, nhưng không lâu sau thì máy bị khóa. Mặc dù đã gửi thông tin và hình ảnh đầy đủ như Apple yêu cầu, nhưng cuối cùng họ báo không giúp gì được", anh Thế Hoàng, một người kinh doanh iPhone tại Hà Nội chia sẻ. Anh Hoàng là một trong những nạn nhân của công cụ iCloud Relocker rộ lên mấy ngày vừa qua. Trong cửa hàng anh hiện có gần chục chiếc iPhone, iPad bị khóa do hacker biết số IMEI và đã chèn một tài khoản iCloud khác vào máy.
Cho rằng đây là lỗi của Apple, anh liên hệ với hãng để nhờ hỗ trợ mở khóa, tuy nhiên, sau quá trình trao đổi, gửi đủ thông tin mà hãng yêu cầu như IMEI, nguồn gốc và cả hóa đơn mua hàng, Apple từ chối với lý do "thông tin mua hàng không trùng khớp". Chiếc iPhone XS Max giá hơn 20 triệu đồng có nguy cơ trở thành "cục gạch" dù chủ nhân còn chưa sử dụng. Nếu không được Apple hỗ trợ, anh Hoàng có thể sẽ phải "rã xác" - bán linh kiện, thiệt hại vài chục triệu đồng.
"Apple không nhận lỗi, cũng không có hướng xử lý hay hỗ trợ những chiếc máy gặp sự cố", anh Hoàng nói.
Trên các hội nhóm về iPhone tại Việt Nam, nhiều thành viên cũng tỏ ra thất vọng với độ an toàn của thiết bị Apple và đặc biệt là cách xử lý của hãng khi sản phẩm gặp vấn đề với iCloud Relocker gần đây.
Nguyễn Hà (Bắc Ninh) vừa mua một chiếc iPhone 6s cũ với giá 4 triệu đồng cho người thân. Dùng được 5 ngày, đến hôm 19/10, chiếc máy hiện lên thông báo bị "Khóa kích hoạt" đồng thời bị liên kết với một tài khoản iCloud lạ. Để mở khóa Apple yêu cầu phải có hóa đơn gốc dù máy đã có tuổi đời hơn 3 năm. Còn nếu thuê dịch vụ mở khóa bên ngoài, số tiền cũng bằng nửa chiếc máy mới. Cuối cùng anh Hà quyết định rao bán "xác" chiếc iPhone 6s với giá 1 triệu đồng, nhưng đến nay vẫn chưa có người mua. "Tin tưởng Apple vì độ ổn định và tính an toàn cao, nhưng lần này thì thực sự thất vọng", anh này chia sẻ.
Theo một người kinh doanh iPhone lâu năm, "khóa iCloud" là một trong những công cụ bảo mật làm nên tên tuổi của Apple, khiến những người ăn cắp hoặc tiêu thụ iPhone phi pháp sẽ không thể sử dụng máy. Vì thế, khi muốn Apple mở các sản phẩm bị khóa, người dùng phải chứng minh chiếc iPhone hoặc iPad đó là máy chính chủ. "Tuy nhiên trong vụ việc lần này, số lượng người bị ảnh hưởng khá nhiều, trong khi lỗi không hoàn toàn ở họ. Apple nên có biện pháp hỗ trợ linh hoạt cho người dùng, chẳng hạn khoanh vùng và vô hiệu hóa các tài khoản iCloud của kẻ xấu chèn lên máy của nạn nhân hoặc có biện pháp xác minh chính chủ đơn giản hơn", anh nói.
Trước đó, ngày 14/10, nhiều người dùng iPhone, iPad tại Việt Nam bị khóa máy bởi một tài khoản iCloud lạ. Nguyên nhân được cho là có liên quan đến công cụ iCloud Relocker, có thể khóa hàng loạt iPhone, iPad qua số IMEI. Đến ngày 17/10, công cụ này thông báo đã khóa thành công hơn 8.000 thiết bị, trước khi bị các hacker Việt tấn công DDoS và phải ngừng hoạt động vì Apple đã sửa lỗi. Sau đó, công cụ này chuyển sang yêu cầu nạn nhân chuyển số Bitcoin trị giá gần 2 triệu đồng nếu muốn mở khóa.
Điều khoản bảo hành của Apple có viết: "Apple không chịu trách nhiệm với những hư hại phát sinh do không tuân thủ đúng các chỉ dẫn có liên quan đến việc sử dụng sản phẩm Apple". Đồng thời, "nếu người dùng không thể hủy kích hoạt mật khẩu hoặc các biện pháp bảo mật khác được thiết kế để ngăn truy cập trái phép vào sản phẩm Apple, đồng thời không thể chứng minh rằng mình là người được quyền dùng sản phẩm, Apple sẽ từ chối bảo hành".
Việc người dùng để lộ số IMEI và không kích hoạt Find My iPhone được cho là điều kiện để các hacker có thể chèn tài khoản iCloud khác lên máy. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng IMEI không phải là thông tin bí mật, Find My iPhone cũng không phải là tính năng bắt buộc, nên đã đổ lỗi cho Apple. Một số người dùng Việt Nam đã liên hệ nhờ Apple mở khóa máy và thành công, tuy nhiên số lượng này không nhiều bởi không phải ai cũng giữ hóa đơn mua hàng và có thể cung cấp đủ các tài liệu như hãng yêu cầu.
Lưu Quý