Xuất hiện từ đầu năm 2012, TV 4K được khách hàng Việt Nam lúc đó coi là món đồ đắt đỏ khi có giá bán lẻ hơn 300 triệu đồng. Dòng sản phẩm này hướng đến một nhóm nhỏ người dùng cao cấp, trong khi đó TV LED truyền thống vẫn là lựa chọn của phần đông khách hàng.
Tuy nhiên hiện nay, chỉ từ 12 triệu đồng là có TV 4K và tầm dưới 15 triệu đồng có cả chục mẫu màn hình Ultra HD của những thương hiệu lớn như Samsung, LG, hay thêm lựa chọn của Xiaomi dưới dạng hàng "xách tay". TV 4K đang rẻ ngang nhiều mẫu Full HD, đầy đủ các tính năng thông minh và dần thu hút sự quan tâm của người dùng.
Samsung 40JU6000 (40 inch - giá 12,3 triệu đồng)
Với giá bán 12,3 triệu đồng, 40JU6000 của Samsung hiện là mẫu TV 4K rẻ nhất được phân phối chính thức tại Việt Nam. Sản phẩm của nhà sản xuất Hàn Quốc sở hữu màn hình có đường chéo 40 inch, tần số quét CMR 100 Hz, công nghệ xử lý hình ảnh UHD Upscaling và UHD Dimming.
Samsung 40JU6000 thiết kế khung nhựa, chân đế kiểu chữ V đơn giản. Model này chạy hệ điều hành Tizen OS với các tính năng thông minh, bộ xử lý Quad Core. Công nghệ âm thanh trên TV của Samsung là DTS Studio và Premium Sound 5.1.
Samsung 40JU6060 hoặc 40JU6400 (40 inch - giá 12,9 triệu đồng)
Là bản nâng cấp của model 40JU6000 ở trên, mẫu 40JU6060 nổi bật với chân đế kiểu kim loại, thiết kế cách điệu tương tự một số TV cao cấp khác của Samsung. Các thông số kỹ thuật trên hai sản phẩm này giống nhau.
Cùng giá 12,9 triệu đồng, nhà sản xuất Hàn Quốc tung ra lựa chọn khác là 40JU6400 với tính năng cao cấp hơn. Model này thêm công nghệ xử lý nhiễu, tăng cường tương phản với Micro Dimming Pro, có bộ nâng cấp màu mở rộng. 40JU6400 hỗ trợ Quick Connect giúp kết nối nhanh với smartphone. Ngoài ra, cùng là tấm nền 4K rộng 40 inch nhưng model này tần số quét CMR 200 Hz.
LG 50UF830T (50 inch - giá 14 triệu đồng)
LG được coi là nhà sản xuất tiên phong trong việc "bình dân hóa" TV 4K. Hiện thương hiệu này có 4 model Ultra HD giá dưới 15 triệu đồng, trong đó, 50UF830T nổi bật với màn hình lớn mà đầy đủ tính năng thông minh.
Để có giá bán tốt, LG không đầu tư nhiều quá cho thiết kế của 50UF830T. TV sở hữu khung nhựa màu đen truyền thống, chân đế đơn giản tương tự model giá rẻ của Samsung. Cùng với tấm nền 4K, công nghệ hình ảnh trên 50UF830T được nâng cấp với bộ mở rộng màu và kiểm soát ánh sáng. TV có tần số quét TruMotion 100 Hz, âm thanh Ultra Surround và chạy hệ điều hành webOS.
LG 49UF670T (49 inch - giá 12,5 triệu đồng)
Cùng giá tiền, LG có hai lựa chọn TV 4K khác là 42UB700T và 43UF640T, nhưng mẫu 49UF670T được chú ý nhờ kích thước màn hình tới 49 inch. Tuy nhiên, so với bộ đôi TV kia thì 49UF670T thua kém khi không có hệ điều hành thông minh hay kết nối Internet.
TV của LG có các tính năng cơ bản như nâng cấp các nội dung chưa đạt chuẩn lên Ultra HD với công nghệ Ultra HD Engine, thu phát truyền hình DVB-T2. 49UF670T sử dụng tấm nền 4K IPS cho góc nhìn rộng, độ sáng cao, tần số quét TruMotion 100 Hz và công nghệ âm thanh Virtual Surround.
TCL L50E6800 (50 inch - giá 13,8 triệu đồng)
Sản phẩm của TCL có thiết kế khá bắt mắt với viền mảnh, chân đế cách điệu hài hòa. Nhà sản xuất cho biết, L50E6800 sử dụng công nghệ hình ảnh ánh sáng tự nhiên mang đến độ tương phản và màu sắc trung thực, tần số quét 960 Hz. Điểm cộng cho TV của TCL là hệ điều hành Android với sức mạnh xử lý từ chip bốn nhân. Tuy nhiên xét trên thương hiệu, TV của nhà sản xuất Trung Quốc được người dùng biết đến ít hơn so với tên tuổi Samsung, LG...
Xiaomi Mi TV 2S (48 inch - giá 14 triệu đồng)
Ngoài smartphone hay các đồ chơi công nghệ, TV của Xiaomi cũng được một số cửa hàng tại Việt Nam đưa về theo đường "xách tay" từ Trung Quốc. Với giá khoảng 14 triệu đồng, Mi TV 2S sở hữu màn hình 4K đường chéo 48 inch, ấn tượng nhờ độ mỏng chỉ 9,9 mm.
Các tính năng thông minh cũng xuất hiện trên TV của Xiaomi với hệ điều hành MIUI được xây dựng dựa trên Android 5.0. Cung cấp sức mạnh xử lý cho thiết bị là chip Mstar 6A928 với bốn nhân tốc độ 1,7 GH, đồ họa Mali T760MP4, RAM 2 GB và 8 GB bộ nhớ trong. Panel điều khiển 10-bit có thể giải mã các nội dung 4K/60 Hz, cổng kết nối HDMI 2.0a, USB 3.0, Wi-Fi chuẩn ac và Bluetooth 4.0.
Hạn chế trên TV của Xiaomi là phần mềm và giao diện tiếng Việt chưa thật sự thân thiện với người dùng phổ thông. Sản phẩm thường không có sẵn mà phải đặt trước, chế độ bảo hành phụ thuộc vào cửa hàng bán ra chứ không được phân phối chính hãng.