Thứ năm, 14/11/2024
Thứ năm, 14/3/2019, 10:46 (GMT+7)

Nhà thông minh nền tảng ThinQ AI của LG

Không chỉ điều khiển bằng giọng nói, nhiều đồ gia dụng như tủ lạnh, máy hút bụi, điều hoà của LG... còn có thể kết nối, tương tác với nhau.

Trải nghiệm nhà thông minh LG Home ThinQ AI
 
 

Những thiết bị quen thuộc và thông dụng với nhiều người được tích hợp nền tảng thông minh của LG, cho phép liên kết cùng hoạt động và hỗ trợ lẫn nhau cũng như tương tác hai chiều với người dùng. Ví dụ, tủ lạnh Door-in-Door đời mới có thể tự động điều nhiệt độ theo loại thức ăn lưu trữ, thông báo quá trình nấu ăn từ lò nướng, lò vi sóng đã thực hiện xong hay máy rửa bát đã hoàn thành nhiệm vụ. Người dùng có thể theo dõi nhiều công việc bếp tại một nơi.

Các thiết bị gia dụng thông minh khác không chỉ tự động hoạt động riêng lẻ mà còn liên kết với nhau để hoạt động theo chuỗi. Ví dụ, khi máy lọc không khí bật, trợ lý ảo của nền tảng ThinQ gợi ý người dùng mở thêm máy lạnh đề điều chỉnh nhiệt độ không khí cho phù hợp. Điều hoà không khí không chỉ tự động mở trước khi người dùng về đến nhà cho mát hay tắt tự động khi không có người dùng, mà có thể tự nhận diện nhiệt độ môi trường, chất lượng không khí... để đưa ra chế độ sử dụng tối ưu nhất một cách tự động.

Hay khi người dùng sử dụng máy hut bụi cầm tay, hệ thống ThinQ nhận biết được và gợi ý thiết bị khác cùng phụ trợ, như robot hút bụi lau nhà tự động yêu cầu giúp đỡ dọn vệ sinh.

Máy giặt hay máy sấy quần áo cũng tự động nhận biết thời tiết môi trường, nhu cầu sử dụng của người dùng để đưa ra kế hoạch, chế độ giặt giũ phù hợp nhất với người dùng. Toàn bộ thiết bị điện tử, gia dụng trong nhà thông minh LG Home sử dụng ThinQ AI tương tác với nhau thành một hệ thống thống nhất và trò chuyện với người dùng qua giọng nói...

... hoặc ứng dụng di động và công nghệ điện toán đám mây để từng người có thể cá nhân hoá và tạo ra thiết lập riêng. Vì vậy, nhà sản xuất Hàn Quốc còn đưa ra mẫu robot quản gia CLOi có tích hợp camera theo dõi, màn hình và trợ lý ảo để quản lý hệ thống trong nhà, bên cạnh loa thông minh thông dụng.

Tâm điểm và cũng là một trong những thiết bị gia đình đầu tiên được tích hợp ThinQ là các dòng TV UHD trung cấp và OLED cao cấp đã có mặt ở Việt Nam từ năm ngoái. Ngoài trình chiếu phim ảnh, âm thanh, Smart TV đời mới của LG còn là thiết bị có thể tương tác và điều khiển nhà thông minh, trò chuyện với người dùng nhờ tích hợp trợ lý ảo như Google Assistant hay Amazon Alexa. Sau 3 năm phát triển, nền tảng nhà thông minh ThinQ AI đã được áp dụng trên toàn bộ các dòng thiết bị của LG trong 2019. Tại Việt Nam, nhà sản xuất Hàn Quốc đã nâng cấp phần mềm, thêm tính năng điều khiển giọng nói bằng tiếng Việt để phù hợp với riêng thị trường.

Tuy nhiên, trở ngại với ThinQ nói riêng và thiết bị hay hệ thống nhà thông minh nói chung ở Việt Nam là giá tiền vẫn cao hơn nhiều so với thiết bị điện tử, gia dụng thông thường. Ví dụ TV hay máy điều hoà không khí, tủ lạnh có tích hợp ThinQ có giá bán cao hơn từ 20 đến 30% sản phẩm bình thường.