Theo báo Global Times, ông Nhậm Chính Phi đã trả lời báo chí tại trụ sở của Huawei ở Thẩm Quyến (Trung Quốc) ngay sau khi Mỹ nới lỏng lệnh cấm với Huawei. Ông cho rằng quyết định gia hạn thêm 90 ngày chẳng có ý nghĩa gì với hãng vì họ đã biết trước sớm muộn chuyện này cũng xảy ra nên đã lên kế hoạch dự phòng từ lâu.
"Tôi biết ơn các công ty Mỹ vì họ đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của Huawei cũng như việc họ nỗ lực thuyết phục chính phủ Mỹ để tiếp tục hợp tác với chúng tôi. Chúng ta luôn cần những chipset do Mỹ phát triển và chúng ta không thể bài trừ hàng Mỹ với một suy nghĩ hạn hẹp", Nhậm Chính Phi chia sẻ.
Ông cũng nói thêm: "Ủng hộ Huawei không có nghĩa phải mua một chiếc điện thoại của Huawei. Các thành viên trong gia đình tôi sử dụng sản phẩm Apple từ rất lâu rồi".
Trước đó, ông cũng nhiều lần thể hiện sự ngưỡng mộ đối với huyền thoại Steve Jobs của Apple. Nhà sáng lập Huawei từng nói với CNBC: "Jobs là người vĩ đại không phải vì ông đã tạo ra Apple mà vì ông tạo ra một kỷ nguyên, kỷ nguyên Internet di động. Nói Jobs vĩ đại chưa đủ, mà phải là siêu vĩ đại". Huawei cũng có ý định muốn bán chip mạng 5G cho Apple trước khi hãng sản xuất iPhone "làm hòa" với Qualcomm.
Theo Reuters, Nhậm Chính Phi đánh giá lệnh cấm của Mỹ không ảnh hưởng gì đến việc triển khai các giải pháp 5G của Huawei, cũng như không thấy bất cứ hãng nào có thể bắt kịp công nghệ của họ trong ít nhất 2-3 năm tới. Nói cách khác, Mỹ đã "xem thường sức mạnh của Huawei".
Huawei nhiều lần cảnh báo Mỹ rằng việc họ bị hạn chế kinh doanh ở Mỹ chỉ dẫn đến kết cục là Mỹ sẽ bị "tụt lại phía sau" trong việc triển khai công nghệ kết nối di động thế hệ mới. Guo Ping, một Chủ tịch luân phiên của hãng, ví việc cấm Huawei tham gia thị trường 5G ở Mỹ cũng như giải bóng rổ NBA không có ngôi sao. Trong khi đó, ông Ken Hu, một Chủ tịch luân phiên khác, cho rằng nếu Huawei có cơ hội tham gia và cạnh tranh, Mỹ sẽ có thể tiết kiệm 20 tỷ USD chi phí vốn cho cơ sở hạ tầng không dây.
Ngày 15/5, Bộ thương mại Mỹ đưa Huawei và khoảng 68 chi nhánh vào danh sách cấm mua các bộ phận và linh kiện từ công ty Mỹ, nếu không có sự chấp thuận của chính phủ Mỹ. Ngày 21/5, Mỹ nới lỏng lệnh cấm trong ba tháng, cho phép Huawei mua hàng hóa do Mỹ sản xuất để duy trì hoạt động cho các nhà mạng hiện tại. Hãng cũng được phép tiếp cận phần mềm nhằm cung cấp các bản cập nhật cho thiết bị cầm tay hiện nay. Theo IDC, Huawei là nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới với 19% thị phần, chỉ sau Samsung, trong quý I/2019.