Chị Nguyễn Út (quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết chị đang liên hệ để mua một chiếc điều hòa cũ hàng nội địa Nhật Bản để lắp ở nhà. "Ban đầu tôi định mua ở siêu thị điện máy, nhưng sau đó được người quen tư vấn mua hàng Nhật cũ vì giá rẻ hơn. Anh này cũng dùng một chiếc hai năm nay chưa hỏng nên tôi cũng muốn thử", chị Út nói.
Anh Nguyễn Long (quận Tân Bình) là một "tín đồ" hàng Nhật cũ, anh đã dùng từ nồi cơm điện tới quạt nay lại đang tìm mua điều hòa. "Tôi đã dùng một số sản phẩm nội địa Nhật và thấy tốt nên quyết định thay chiếc điều hòa vừa hỏng", anh Long cho biết.
Anh Long và chị Út là hai trong số những người tìm đến "hàng Nhật bãi"- mặt hàng chỉ sản xuất riêng cho người dùng Nhật Bản (thường được gọi là hàng nội địa Nhật), đã qua sử dụng và được chuyển về Việt Nam để bán lại. Là hàng cũ nhưng chúng vẫn được người Việt Nam chuộng bởi các chiêu quảng cáo của người bán là "bền và tiết kiệm điện".
Anh Nguyễn Phú, một dân buôn hàng điện lạnh Nhật cũ ở chợ Nhật Tảo (quận 10) chia sẻ, lượng hàng bán ra thời điểm này mỗi năm luôn cao. "Mỗi ngày, tôi bán được khoảng năm đến bảy chiếc, có ngày mười mấy chiếc. Sắp tới, tháng cao điểm sẽ tăng hơn nữa", anh Phú tiết lộ.
Điều hòa Nhật cũ chủ yếu đến từ các thương hiệu như Sharp, Panasonic, Daikin, Toshiba, Fujitsu. Tùy thuộc vào công suất, tình trạng sản phẩm, có inverter hay không, dùng loại gas nào, công suất bao nhiêu... mà người bán "phát" giá. Loại nhỏ, cũ, ít công nghệ tích hợp, không inverter thì chỉ 2-3 triệu đồng. Loại có inverter, năm sản xuất gần hơn thì đắt hơn, cũng khoảng 6-10 triệu đồng. Thời gian bảo hành thường từ 3 tháng đến một năm, một số nơi miễn phí lắp đặt, dây đồng và các phụ kiện khác.
Theo anh Phú, người dùng tìm đến hàng Nhật bãi là do loại máy này tiết kiệm điện và giá rẻ. Bên cạnh inverter, nhiều loại còn có khả năng tinh lọc không khí bằng ion plasma giúp tiêu hủy phân tử gây ô nhiễm, lọc và tái tạo oxi. Một số sử dụng gas R410A an toàn cho môi trường hơn gas R22… Đây đều là các công nghệ có trên điều hòa bán tại Việt Nam nhưng giá lại rẻ hơn khoảng một phần ba đến một nửa. "Một điều hòa hai chiều 12.000 btu tại các siêu thị điện máy có giá không dưới 11 triệu đồng, hàng mới tại Nhật Bản cũng không dưới 15 triệu đồng, nhưng hàng Nhật cũ chỉ khoảng 6 đến 7 triệu đồng. Chúng cũng tiết kiệm điện năng hơn từ 30 đến 50% so với các mẫu cùng loại đang bán trong nước", anh Phú cho hay.
Tuy nhiên, việc sử dụng điều hòa Nhật cũ không phải dễ dàng. Chị Mỹ Nhi (quận 10) cho biết chồng chị mua một chiếc điều hòa nội địa Nhật tháng trước nhưng cho đến nay chị vẫn chưa quen thao tác vì chữ hiển thị trên máy và trên điều khiển từ xa đều là tiếng Nhật. "Tôi phải dùng đến công cụ dịch trên mạng để biết các tính năng đó là gì. Cảm giác dùng khá khó chịu", chị Nhi chia sẻ.
Vấn đề nguồn điện cũng được quan tâm bởi Nhật Bản là quốc gia sử dụng điện lưới 110v là chủ yếu, trong khi Việt Nam sử dụng điện lưới 220v. Một số nơi có khuyến mãi thêm ổn áp, bộ chuyển đổi dòng điện từ 220v xuống 110v khi mua điều hòa, nhưng đa phần người dùng phải tự sắm và nó khiến chi phí bị đội thêm từ một đến vài triệu đồng.
Hơn nữa không phải người nào cũng may mắn mua được hàng chất lượng tốt. Anh Lê Vũ (quận 1) chia sẻ, sau khi dùng một điều hòa Panasonic hàng nội địa Nhật cũ khoảng hơn nửa năm, máy có dấu hiệu làm mát không đều, lúc chạy lúc không, khi chạy phát ra tiếng ồn. Thiết bị của anh giờ đang "nằm" tại nơi mua hơn một tháng nay vì đợi linh kiện thay thế.
Sửa chữa cũng là vấn đề lớn với điều hòa nội địa Nhật. Anh Thế, một thợ sửa điện lạnh ở Bình Thạnh tiết lộ, nhiều người mang điều hòa Nhật cũ đến tiệm anh sửa, nhưng đa phần anh từ chối vì bảng mạch bên trong phức tạp và không có linh kiện mới để thay. Anh cho hay "những thợ sửa được loại này chủ yếu sẽ lắp ghép các phụ tùng không đồng bộ hoặc những bộ phận mà họ tận dụng được khi mua đồ đồng nát".
Theo Lê Duy, một người am hiểu về mặt hàng điện lạnh tại TP HCM, với đặc thù là "hàng bãi", tức là hàng đã qua sử dụng và thải loại, điều hòa Nhật được nhập về qua đường tiểu ngạch và tân trang lại nên khi mua, người tiêu dùng cần quan tâm đặc biệt tới chất lượng. Người này tiết lộ, đa phần các mẫu hàng "bãi" hiện nay đều đã qua tay "phù phép" để trở nên như mới. Với lớp vỏ bên ngoài, thợ thường dùng hóa chất để đánh bóng, sau đó dán thêm decal cho đẹp.
Với máy móc bên trong, nếu còn tốt, thợ chỉ cần đánh bóng hoặc hàn lại các lẫy nhựa, mối nối, "chải" các lá tản nhiệt để chúng bớt cong vênh. Nhưng với các mẫu đã hỏng nặng, người sửa buộc phải can thiệp sâu vào bên trong. "Khi đã tác động vào dàn nóng, dàn lạnh của máy, chắp nối linh kiện, sự ổn định của thiết bị cũng ảnh hưởng, gây ra tình trạng hiệu suất thấp, tốn điện, các tính năng hoạt động không như mong muốn", anh Duy cảnh báo. Ngoài ra, anh Duy cũng khuyến cáo người mua nên cần thận vì không loại trừ trường hợp máy điều hòa gắn linh kiện Trung Quốc kém chất lượng "đội lốt" hàng Nhật bãi trà trộn.
Bảo Lâm