Mùa hè năm ngoái, Hoàng Kha, 22 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP HCM, lần đầu nghe đến Axie Infinity - game P2E (chơi game kiếm tiền) trong một nhóm chat. Sau vài tuần tìm hiểu, anh quyết định đầu tư hơn 1.000 USD mua ba thú cưng để bắt đầu trò chơi. Độ hot của dự án khiến giá các thú cưng anh mua liên tục tăng giá.
Sau khi thấy có thể "sống khỏe" bằng game, anh quyết định nghỉ việc, dốc toàn bộ tiền tiết kiệm để mua thú ảo, thuê người chơi. Tuy nhiên đến cuối 2021, giá token của dự án liên tục giảm. Kha cắt dần đội cày thuê, bán bớt thú cưng để thu hồi vốn.
Cú sốc xảy ra vào cuối tháng 3, khi mạng Ronin của game bị tấn công và bị lấy đi khoản tiền số trị giá hơn 600 triệu USD. Sự cố khiến giá token đi xuống. Từ mức đỉnh 160 USD hồi tháng 11/2021, hiện mỗi AXS chỉ còn khoảng 17 USD. Nhiều tháng sau vụ tấn công, tiền số của dự án ít có dấu hiệu phục hồi. Hoàng Kha quyết định thanh lý toàn bộ thú cưng và token. "Giờ này năm ngoái tôi bỏ ra cả nghìn USD mua một đội hình, giờ chúng chỉ có giá vài chục USD. Mọi thứ thay đổi quá nhanh. Tôi gần như suy sụp, mất hết niềm tin nên quyết định xóa app, từ bỏ giấc mơ chơi game kiếm tiền", anh nói.
Trên các hội nhóm Axie Infinity, số người rời dự án cũng ngày một nhiều. "Làn sóng xóa game lên cao vào khoảng tháng 5 khi giá AXS giảm còn dưới 20 USD. Người dùng không còn chia sẻ về chiến thuật hay thành tích mới, thay vào đó họ than thở không biết khi nào hòa vốn, có người tức giận vì đã đầu tư nhiều vào game", Tú Anh, quản trị viên một nhóm người chơi game Axie Infinity với gần 40 nghìn thành viên, nói. Bài đăng mới nhất trên nhóm là của một người đã bỏ game được hai tháng, nhờ mọi người tư vấn nên làm gì với số token còn lại trong ví.
Không chỉ ở Việt Nam, tại Philippines - nơi chiếm 40% thị phần người chơi của Axie Infinity - cũng đã chứng kiến đà lao dốc.
"Hầu hết game thủ Philippines ngừng chơi với lý do tức giận và lo lắng. Nhiều người nói cảm thấy nhàm chán và căng thẳng khi chơi. Số khác nói đã mất hàng nghìn USD khi đầu tư vào game. Giờ đây họ phải thoát ra khỏi trò chơi để điều chỉnh lại cảm xúc tiêu cực của bản thân", Time cho biết.
Thống kê của Activeplayer cho thấy số người chơi hàng tháng của Axie Infinity đạt đỉnh vào tháng 1 với hơn 2,7 triệu người, nhưng liên tục giảm. Hồi tháng 5, số người chơi trung bình sụt từ 2,1 triệu hàng tháng xuống 958.000. Đến tháng 7, con số này tiếp tục giảm còn 700.000 người.
Jeff Zirlin, đồng sáng lập Axie Infinity, thừa nhận họ đang bị "thất thoát" người chơi nghiêm trọng ngay cả khi mạng Ronin được mở lại sau vụ hack. "Có tuần Axie Infinity chỉ còn khoảng 368.000 game thủ đăng nhập. Con số đang giảm đều sau khi trò chơi đạt đỉnh 2,7 triệu người dùng", Zirlin nói với Blockworks.
Trước những hoài nghi của cộng đồng, đội ngũ sáng lập khẳng định mục đích chính của game là giải trí. "Chúng tôi muốn tập trung vào phát triển cộng đồng người chơi thông qua những tặng phẩm ban đầu và không liên quan đến mô hình ponzi", đại diện của Sky Mavis viết trong một email gửi Time.
Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân lớn khiến người chơi rời bỏ là nền kinh tế trong game bị lạm phát, giá token giảm mạnh khiến họ không thể kiếm lời. Sau vụ hack 600 triệu USD, niềm tin của người chơi vào nhà phát triển cũng đi xuống dù được cam kết đền tiền. Ngoài ra, yếu tố game play của dự án không đủ hấp dẫn để giữ chân người dùng dù đã phát hành bản chơi miễn phí.
Theo Time, nhiều người thừa nhận đang nợ bạn bè, gia đình hàng trăm, thậm chí hàng nghìn USD để mua những con thú đang trở nên mất giá trong game. Nhà kinh tế học Ethan McMahon của hãng nghiên cứu Chainalysis, nhận định những vấn đề của Axie Infinity sẽ tác động xấu đến tương lai của mô hình P2E.
"Có thể một nhóm người là những tay chơi giỏi nhất thực sự kiếm được tiền từ game. Nhưng với người dùng phổ thông, nếu động cơ để bắt đầu chơi game là lợi nhuận, đây không phải nơi an toàn để làm giàu", ông McMahon nói.
Anh Thu