Hà Lan - quốc gia có dân số 17 triệu người - đang được cả Mỹ và Trung Quốc để ý, bởi sự có mặt của "ngôi sao" đóng vai trò quan trọng trong chuỗi sản xuất và cung ứng bán dẫn toàn cầu: ASML.
ASML, có trụ sở tại thị trấn Veldhoven, không tạo ra chip. Tuy nhiên, họ đóng vai trò gần như độc quyền và được ví như điểm nghẽn cổ chai bởi chiếm tới 80-85% thị phần máy quang khắc toàn cầu. Con số này thậm chí là 100% với dòng máy quang khắc dùng tia siêu cực tím (EUV), phục vụ cho các nhà sản xuất chất bán dẫn, như TSMC của Đài Loan.
Vì thế, ASML trở thành một trong những công ty chip quan trọng nhất trên thế giới, được đánh giá là nắm giữ chìa khóa cho tương lai lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn tiên tiến của Trung Quốc. Điều này khiến Mỹ để ý.
Mỹ hối thúc Hà Lan về vấn đề ASML
Sức ép của Mỹ đối với Hà Lan liên quan đến ASML được cho là bắt đầu từ năm 2018, dưới thời cựu tổng thống Donald Trump. Đến năm 2020, theo Reuters, Hà Lan rút giấy phép xuất khẩu máy EUV sang Trung Quốc của ASML. Điều này diễn ra sau khi chính phủ Mỹ vận động hành lang và bày tỏ lo ngại nếu ASML vận chuyển máy móc đến Trung Quốc, các nhà sản xuất chip nước này có thể tạo ra những sản phẩm với sức mạnh lớn hơn, ứng dụng AI và sử dụng cho các mục đích quân sự.
Thực tế, việc cấm ASML bán máy quang khắc cho Trung Quốc đã gây nhiều tác động sau đó. Huawei là công ty ảnh hưởng nặng nề nhất, khi công ty con chuyên về bán dẫn là HiSilicon không thể tạo chip mới cho smartphone và các thiết bị thông minh. Năng lực của nhà sản xất chip lớn nhất Trung Quốc SMIC cũng bị hạn chế sau các lệnh cấm này.
Gần đây, chính quyền của Tổng thống Mỹ Biden tiến thêm một bước trong cuộc tấn công vào ngành công nghiệp chip của Trung Quốc. Vào tháng 10, Cục Công nghiệp và An ninh - Bộ Thương mại Mỹ đưa ra một loạt quy tắc mới, trong đó yêu cầu các công ty trên toàn cầu nếu dùng công nghệ Mỹ hoặc có liên quan đến Mỹ phải xin giấy phép trước khi bán sản phẩm cho Trung Quốc.
Theo CNBC, hiện không có hệ thống EUV nào ở Trung Quốc. Trong khi đó, đại diện ASML xác nhận không thể đưa máy EUV đến Trung Quốc kể từ 2019 do các hạn chế xuất khẩu của Hà Lan. Tuy nhiên, công ty hy vọng "sẽ hạn chế các tác động trực tiếp từ loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới trong tổng thể năm 2023".
Trong báo cáo giữa năm ngoái, công ty tư vấn Boston Consulting Group khuyến cáo tình cảnh này có thể hối thúc Trung Quốc quyết tâm xây dựng doanh nghiệp thay thế ASML. Khi đó, CEO ASML Peter Wenninck thừa nhận đây là điều đáng lo ngại với công ty, nhưng tin sẽ không bị ảnh hưởng nhiều do họ vẫn còn những khách hàng lớn trên thế giới.
Tuy nhiên, theo Wired, mối lo ngại lớn với ASML là nguy cơ mất vị thế thống trị và duy nhất nếu đối thủ từ Trung Quốc hoặc một nước nào đó xuất hiện. Để phòng tránh, công ty Hà Lan đang đầu tư rất nhiều vào công nghệ mới. Trong năm 2021, họ chi 13,7% doanh thu cho nghiên cứu và phát triển và dự kiến tăng lên 14% năm nay.
Áp lực tiếp tục
Mỹ được cho là đang tăng cường tác động đến Hà Lan. Đầu tháng này, Alan Estevez, phụ trách mảng công nghiệp và an ninh của Bộ Thương mại Mỹ, và Tarun Chhabra, Giám đốc cấp cao về công nghệ và an ninh của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, được cho là đã nói chuyện với các quan chức Hà Lan.
"Giờ đây, chính phủ Mỹ đã đơn phương áp đặt các biện pháp kiểm soát sử dụng công nghệ Mỹ. Tuy nhiên, chúng sẽ vô ích nếu Trung Quốc có thể lấy những cỗ máy có công nghệ tương tự từ ASML hoặc Tokyo Electron (Nhật Bản). Do đó, Mỹ muốn chuyển đổi các biện pháp kiểm soát đơn phương thành đa phương, bằng cách lôi kéo các quốc gia như Hà Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản tham gia", Pranay Kotasthane, đứng đầu mảng nghiên cứu về công nghệ cao và địa chính trị tại Viện Takshashila, nói với CNBC.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken là người mới nhất ca ngợi nỗ lực của châu Âu trong việc hợp tác với Mỹ để kiềm chế Trung Quốc. Theo ông, đã có "sự hội tụ ngày càng tăng trong cách tiếp cận" của các quốc gia đối với "những thách thức mà Trung Quốc đặt ra".
"Chúng tôi đang cân nhắc lợi ích của mình, lợi ích an ninh quốc gia - những thứ vô cùng quan trọng. Lợi ích kinh tế và yếu tố địa chính trị cũng luôn đóng một vai trò nhất định", Liesje Schreinemacher, Bộ trưởng Ngoại thương và Hợp tác phát triển của Hà Lan, cho biết tuần trước. Bà cũng nói thêm rằng Bắc Kinh là "một đối tác thương mại quan trọng".
Theo công bố của ASML, khoảng 30% doanh thu của công ty năm 2020 là từ Trung Quốc nhưng chỉ còn 10% trong quý II/2022. Con số này được dự đoán sẽ tiếp tục bị thu hẹp trong toàn năm nay và những năm tới do các tác động từ Mỹ.
Bảo Lâm