Chính quyền Mỹ hôm 7/10 công bố loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới, ngăn Trung Quốc mua nhiều loại chip bán dẫn được chế tạo bằng thiết bị của Mỹ trên khắp thế giới. Động thái của Washington dựa trên Quy định Sản phẩm Trực tiếp Nước ngoài (FDPR). Quy định này được ban hành năm 1959, được bổ sung năm 2020 nhằm cho phép Mỹ kiểm soát những loại chip sản xuất ở nước ngoài, ngăn chúng đến tay Huawei và chặn dòng chảy thiết bị bán dẫn đến Nga.
Theo điều khoản mới nhất, các công ty ở mọi nơi trên thế giới không được phép bán chip máy tính hoặc công nghệ bán dẫn tiên tiến cho Trung Quốc nếu trong sản phẩm có công nghệ Mỹ. Họ phải nộp đơn lên các cơ quan có thẩm quyền của Mỹ để xét duyệt.
Phần lớn quy định có hiệu lực ngay lập tức, dựa trên những hạn chế đã được gửi bằng văn bản đến những hãng sản xuất máy móc và công cụ hàng đầu ở Mỹ như KLA Corp, Lam Research và Applied Materials từ đầu năm. Trong đó, họ được yêu cầu ngừng cung cấp thiết bị cho các nhà máy Trung Quốc chuyên chế tạo chip bán dẫn tiên tiến.
Đây được coi là thay đổi lớn nhất trong chính sách xuất khẩu công nghệ của Mỹ đối với Trung Quốc kể từ thập niên 1990. Điều này mở rộng đáng kể nỗ lực bóp nghẹt ngành bán dẫn và cản trở đà phát triển công nghệ của Trung Quốc, buộc các công ty ở Mỹ và nước ngoài có sử dụng công nghệ Mỹ phải chấm dứt hỗ trợ những hãng thiết kế và sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh chỉ trích Mỹ "lạm dụng các biện pháp thương mại để củng cố thế độc quyền công nghệ".
Trong khi đó, Bộ Công nghiệp Hàn Quốc khẳng định không có gián đoạn đáng kể trong việc cung cấp thiết bị cho nhà máy của Samsung và SK Hynix tại Trung Quốc, nhưng cần hạn chế tối đa những yếu tố không rõ ràng thông qua tham vấn với Mỹ.
"Điều này sẽ khiến Trung Quốc tụt lùi nhiều năm. Họ sẽ không từ bỏ sản xuất chip, nhưng động thái này thực sự cản bước Bắc Kinh", Jim Lewis, chuyên gia công nghệ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Mỹ, nhận xét.
Theo Dan Fisher-Owens, chuyên gia tại công ty luật Berliner Corcoran & Rowe, mở rộng FDPR giúp Washington đóng lỗ hổng trong kiểm soát xuất khẩu. Nhưng ông cảnh báo động thái mới cũng có thể gây khó dễ cho nhiều công ty nước ngoài và dẫn tới bất đồng với các đồng minh.
Các quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ cho biết biện pháp này có thể ngăn Trung Quốc tiếp cận nguồn chip và thiết bị sản xuất tối tân, nhưng thừa nhận chưa có quốc gia đồng minh nào của Washington cam kết áp dụng những hạn chế tương tự.
"Các biện pháp kiểm soát đơn phương được Mỹ áp dụng sẽ dần mất đi hiệu quả nếu không có nước nào tham gia. Chúng cũng gây nguy hại cho vị thế dẫn đầu của Mỹ trong ngành công nghệ nếu các đối thủ cạnh tranh nước ngoài không phải chịu lệnh cấm tương tự", một quan chức nói.
Eric Sayers, chuyên gia chính sách quốc phòng tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho rằng quyết định của chính quyền Tổng thống Joe Biden là nhằm kiềm tỏa đà phát triển của Trung Quốc, thay vì đơn thuần xóa đi lợi thế cạnh tranh của đối phương.
Loạt quy định mới cũng hạn chế đáng kể hoạt động xuất khẩu thiết bị của Mỹ cho các hãng chế tạo chip nhớ Trung Quốc, đồng thời hợp thức hóa những văn bản hạn chế xuất khẩu chip dùng trong siêu máy tính cho Trung Quốc được giới chức Mỹ gửi đến Nvidia và AMD tháng trước.
"Trung Quốc sẽ phải tự xây dựng công nghệ sản xuất, cũng như phát triển công nghệ vi xử lý nội địa để thay thế sản phẩm phương Tây đang sử dụng. Bắc Kinh có thể mất 5-10 năm để bắt kịp công nghệ", Karl Freund, chuyên viên tư vấn phụ trách lĩnh vực siêu máy tính tại công ty Cambrian AI, nêu quan điểm.
Điệp Anh (theo Reuters)