Ngày 21/3, Bộ Thương mại Mỹ công bố các đề xuất nhằm hạn chế những công ty được hỗ trợ từ gói 52 tỷ USD mở rộng hoạt động sản xuất bán dẫn ở nước ngoài, nhất là Trung Quốc. Quy định mới cũng ngăn công ty Mỹ tham gia vào quá trình nghiên cứu chung hoặc cấp phép hoạt động công nghệ với các tổ chức nước ngoài được cho là nhạy cảm.
Bộ Thương mại Mỹ đã tiến hành phân loại các chất bán dẫn quan trọng với an ninh quốc gia. Theo đó, một số mẫu chip phải chịu quy định kiểm soát chặt chẽ hơn trước đây. Nói cách khác, theo Reuters, Mỹ muốn dùng 52 tỷ USD trói chân nhà sản xuất trong nước, dựng hàng rào trao đổi với các công ty có quan hệ mật thiết với Trung Quốc.
Quy định mới được áp dụng cho cả chip thế hệ hiện tại, chip tiên tiến dùng trong lĩnh vực điện toán lượng tử và một số chip chuyên dụng cho lĩnh vực quân sự. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết: "Hàng rào này sẽ đảm bảo cho nước Mỹ luôn đi trước các đối thủ trong nhiều thập kỷ".
Tháng 10 năm ngoái, Bộ Thương mại Mỹ ban hành quy định nhằm kiểm soát xuất khẩu của các công ty trong nước sang thị trường Trung Quốc. Bộ này cũng cấm tất cả công ty sản xuất chip của Mỹ ở bất kỳ đâu trên thế giới không được hợp tác với "đối thủ". Đây là một trong nhiều nỗ lực của Nhà Trắng nhằm kìm hãm tiến bộ công nghệ của Trung Quốc.
Đáp lại động thái ngày một kiên quyết của Mỹ, từ cuối năm ngoái, Trung Quốc đã bắt đầu kế hoạch hỗ trợ trị giá một nghìn tỷ nhân dân tệ (143 tỷ USD) để hiện thực hóa mục tiêu tự chủ chip. Theo nguồn tin của Reuters, gói hỗ trợ sẽ bắt đầu trong quý I/2023, phần lớn được dùng để mua thiết bị bán dẫn trong nước. Với gói ưu đãi, chính phủ Trung Quốc muốn thúc đẩy các công ty nội địa mở rộng quy mô sản xuất, lắp ráp, đóng gói và nghiên cứu phát triển công nghệ bán dẫn. Những chính sách riêng về thuế cho ngành cũng sẽ sớm được triển khai.
Khương Nha (theo Reuters)