"Hệ thống phân biệt lãnh chúa và nông dân hiện tại của Twitter thông qua việc có hoặc không có dấu tích màu xanh lam là điều nhảm nhí. Quyền lực cho mọi người. Màu xanh lam có giá 8 USD/tháng", Musk tweet ngày 2/11.
Phản hồi của Musk được đưa ra sau khi có thông tin Twitter dự kiến tính phí 20 USD mỗi tháng cho tài khoản Twitter Blue đăng ký mới. Blue là tài khoản trả phí dành cho người dùng Twitter, được thể hiện bằng giao diện màu xanh khi truy cập. Người dùng sẽ được ưu tiên một số tiện ích như khả năng chỉnh sửa tweet, xem danh sách các bài viết hàng đầu từ những người họ theo dõi, quyền truy cập không có quảng cáo, sử dụng ảnh đại diện NFT...
Mức phí 20 USD nhanh chóng bị người dùng Twitter chỉ trích và hoài nghi, trong đó có nhà văn nổi tiếng người Mỹ Stephen King, người có gần bảy triệu người theo dõi trên nền tảng. "20 USD mỗi tháng chỉ để giữ dấu tích màu xanh trên tài khoản của tôi?", King đặt câu hỏi.
Musk phản hồi nhà văn sau đó: "Dù sao cũng cần thanh toán hóa đơn bằng cách nào đó. Twitter không thể mãi dựa hoàn toàn vào các nhà quảng cáo. Vậy còn giá 8 USD thì sao?".
Trong loạt tweet tiếp theo ngày 2/11, Musk liên tục nhắc lại mức giá 8 USD và chia sẻ kế hoạch mới. Ông cho biết người đăng ký Blue sẽ được ưu tiên về tìm kiếm, được hỗ trợ nội dung âm thanh và video dài hơn, tần suất xuất hiện quảng cáo bằng một nửa so với người dùng miễn phí. Riêng các nhà sáng tạo, nhà xuất bản làm việc với nền tảng này cũng sẽ được ưu ái chi phí. "Điều này sẽ mang lại cho Twitter một nguồn doanh thu để thưởng cho những người sáng tạo nội dung", ông nói thêm.
Theo CNN, động thái của Musk cho thấy ông đang tập trung cao độ để giải quyết việc tăng doanh thu và lợi nhuận cho mạng xã hội - nền tảng đã thua lỗ thời gian gần đây. Trước đó, khi thâu tóm Twitter, ông cũng thừa nhận "trả quá cao" cho công ty này.
Nhà quảng cáo dừng hợp tác
Ngày 1/11, tập đoàn quảng cáo nổi tiếng Interpublic Group ra khuyến nghị với khách hàng của công ty con IPG Media Brands dừng quảng cáo trả phí trên Twitter trong ít nhất một tuần kể từ 28/10 - ngày Musk tiếp quản mạng xã hội này.
Theo một số nguồn tin tiết lộ với CNBC, động thái này nhằm xác định xem nền tảng có còn an toàn và nhận được sự tin tưởng của người dùng nữa hay không. Interpublic Group hiện là tập đoàn quảng cáo có quy mô toàn cầu với nhiều khách hàng lớn như CVS Pharmacy, Nintendo và Unilever.
Trước đó, vào ngày 28/10, nhà sản xuất ôtô GM cũng cho biết đã ngừng quảng cáo trên Twitter nhằm xem xét hướng đi của mạng xã hội sau khi thuộc về chủ mới. Động thái của GM diễn ra khi nhiều người đổ xô lên Twitter để "thử" quyền tự do ngôn luận sau khi Musk tiếp quản nền tảng.
Theo số liệu nghiên cứu của Network Contagion và Dataminr, số lượng tweet đăng nội dung sai lệch, phân biệt chủng tộc và gây thù hận đã lan truyền mạnh mẽ trong những ngày này với mức tăng hơn 500% so với trước đó. Ngày 1/11, Yoel Roth, người đứng đầu bộ phận an toàn của Twitter, cho biết đã xóa hơn 1.500 tài khoản gây kích động, đồng thời giảm tần suất hiển thị các nội dung này "xuống gần bằng không".
Khi tuyên bố mua Twitter giữa năm nay, Musk từng cho biết sẽ đảm bảo "tự do ngôn luận" trên nền tảng. Nhiều người đang chờ xem liệu ông có khôi phục tài khoản của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump - người từng có những phát biểu sai lệch trên mạng xã hội và đã bị cấm vĩnh viễn.
"Điều nguy hiểm ở đây là nhân danh 'tự do ngôn luận'. Musk có thể quay ngược kim đồng hồ, khiến Twitter tràn lan sự thù hận, chia rẽ và thông tin sai lệch về bầu cử, chính sách y tế công cộng và các vấn đề quốc tế. Đây là điều đáng quan tâm", chuyên gia Paul Barrett tại Đại học New York nói với Washington Post.
Tuần trước, Musk viết rằng Twitter sẽ thành lập một hội đồng kiểm duyệt nội dung "với nhiều quan điểm đa dạng. Ông cũng hứa sẽ "không đưa ra quyết định nội dung nào quan trọng hoặc khôi phục tài khoản cho những người đã bị cấm".
Bảo Lâm