Sau khi Mobiistar biến mất khỏi các kệ hàng, smartphone thương hiệu Việt hiện chỉ còn lại hai cái tên đáng chú ý là Vsmart của VinSmart (thuộc VinGroup) và Bphone của Bkav.
Với VinSmart, khi ra mắt vào năm ngoái, hãng từng thể hiện "ý đồ" đánh chiếm mọi phân khúc smartphone tại Việt Nam, nhưng thực tế, các sản phẩm được ra mắt của VinSmart trong gần một năm qua chỉ quanh quẩn ở phân khúc bình dân và tầm trung. Trong số chín smartphone mang thương hiệu Vsmart từng ra mắt, bảy mẫu có giá dưới 5 triệu đồng, thậm chí ba trong số đó giá chỉ chưa tới 2 triệu.
Sản phẩm đắt tiền nhất là mẫu Live (bản 64GB) giá 8 triệu đồng, sở hữu những tính năng mới như vân tay trong màn hình, camera 48 "chấm", chip Snapdragon 675. Thế nhưng, dường như đây cũng chỉ là cuộc thử nghiệm của họ khi tiến lên phân khúc cao. Cuộc "thử nghiệm" này kéo dài chưa đầy ba tháng, sau đó Live được điều chỉnh xuống dưới 4 triệu, gia nhập phân khúc phổ thông.
Chỉ hai ngày sau khi điều chỉnh, doanh số của Live tăng vọt khiến sản phẩm liên tục rơi vào tình trạng cháy hàng. Một đại lý lớn cho biết mỗi ngày họ bán gần 200 điện thoại Vsmart, trong đó 70% là Live giá 3,5-3,7 triệu đồng.
Bphone cũng từng được Bkav định vị ở phân khúc cận cao cấp với giá khởi điểm cho mẫu Bphone đầu tiên là 10-13 triệu đồng, phiên bản cao cấp, thậm chí có giá hơn 20 triệu đồng. Sau hai thế hệ, giá của Bphone cũng giảm dần và cho đến nay, Bphone 3 giá 6,99 triệu đồng và là mẫu Bphone rẻ nhất hiện nay. Dù không có doanh số cụ thể, qua các thảo luận trên cộng đồng người sử dụng điện thoại Bkav, Bphone 3 là sản phẩm phổ biến nhất của thương hiệu này.
Mobiistar, Asanzo hay trước đó là Qmobile cũng đều gia nhập thị trường và cạnh tranh ở phân khúc phổ thông, giá thấp, dưới năm triệu đồng, nhờ đó đạt được những thành công nhất định.
Theo chuyên gia công nghệ Nguyễn Mạnh Hưng, các hãng điện thoại Việt dù có tham vọng sản xuất điện thoại ở phân khúc cao, cơ hội "chen chân" vào phân khúc này vẫn rất khó. "Người Việt chưa có sự tin tưởng đủ lớn vào một sản phẩm thương hiệu Việt với giá cao. Bên cạnh đó, các hãng công nghệ Việt Nam vẫn chưa thực sự làm chủ hoàn toàn công đoạn R&D (nghiên cứu & phát triển) và phải cần thêm rất nhiều sự tích lũy về mặt thời gian và công nghệ. Đây là một thực tế không thể thay đổi trong ngày một ngày hai", anh nói.
Các hãng smartphone Việt quan tâm phân khúc giá rẻ
Ông Nguyễn Tử Quảng, CEO Bkav, cho biết, đã có ý định phát triển Bphone sang nhiều phân khúc từ lâu, nhưng để làm được điều đó, Bphone thế hệ đầu "không thể rẻ", vì vậy, các thế hệ Bphone đầu tiên đều là các smartphone cận cao cấp đến cao cấp. "Từ phân khúc cận cao cấp, chúng tôi có thể mở rộng ra phân khúc cao cấp và tầm trung. Cách đó sẽ bền vững hơn và chắc chắn hơn thay vì làm phân khúc tầm trung ngay từ đầu", ông nói. Đại diện Bkav cũng cho biết "sắp tới Bphone sẽ có đủ các sản phẩm thuộc nhiều phân khúc khác nhau cho các nhóm tiêu dùng khác nhau".
VinSmart cũng cho biết sẽ tập trung vào phân khúc 10 triệu đồng trở xuống, trong đó phần lớn sản phẩm sẽ có giá dưới 7 triệu đồng. Mới đây nhất, hãng điện thoại này tung ra hai sản phẩm thuộc dòng Bee đều có giá chỉ dưới 1,4 triệu đồng. Bee 3 mở đầu cho thế hệ smartphone thứ ba của VinSmart và là một trong những mẫu máy rẻ nhất trên thị trường hiện nay.
Việc nhắm tới đến phân khúc tầm trung, giá rẻ không chỉ để phục vụ người tiêu dùng Việt, mà còn giúp các hãng có sự chuẩn bị tốt hơn cho các kế hoạch dài hơi của mình. Theo anh Mạnh Hưng, việc các hãng phát triển phân khúc tầm trung và giá rẻ là một lựa chọn hợp lý hiện tại. "Trước hết là để dây chuyền có thể hoạt động trơn tru, sau là để người dùng có thể trải nghiệm và quen dần với sự hiện diện của thương hiệu. Ngoài ra, khả năng thành công về mặt thương mại của những sản phẩm này cũng lớn hơn", anh nói.
Theo số liệu của GfK trong suốt 9 tháng đầu năm 2019, thị trường Việt Nam tiêu thụ hơn 11 triệu smartphone. Trong số này, khoảng 60 đến 70% là các sản phẩm tầm giá từ 2 đến 6 triệu đồng, chỉ dưới 10% doanh số đến từ phân khúc trên 10 triệu.
Lưu Quý