Một trong những thay đổi lớn nhất trong thiết kế TV tại triển lãm CES năm nay là sự phổ biến của mini-LED. Tại sự kiện, công nghệ đèn nền siêu nhỏ này đã được ứng dụng trong hàng loạt mẫu TV thông minh mới nhất của nhiều nhà sản xuất toàn cầu. Chính vì lý do đó, năm 2021 được dự đoán sẽ là năm định hình của công nghệ mini-LED với sự tham gia của nhiều tên tuổi lớn, như Samsung, LG và TCL.
Mini-LED là gì?
Hầu hết TV, máy tính và màn hình ngày nay sử dụng hai loại công nghệ màn hình: OLED và LCD. Màn hình OLED sử dụng Diode phát sáng hữu cơ, cho phép từng pixel được bật hoặc tắt độc lập với nhau. Trong khi đó, màn hình LCD phải có một lớp đèn nền phía sau để giúp các pixel sáng lên và tạo ra màu sắc nhờ một lớp filter đỏ, xanh dương, xanh lá.
Trên các TV LCD phổ biến, lớp đèn nền này thường nằm ở rìa màn hình nhằm giảm số lượng bóng LED cần dùng nhưng chất lượng hình ảnh không đẹp. Một cách lắp đặt lớp đèn nền khác là chuyển đèn LED ra đằng sau tấm LCD. Phương pháp này làm tăng số lượng bóng LED cần dùng, do đó, màn hình có độ sáng và độ tương phản cao hơn. Ở TV LCD cao cấp, nhiều nhà sản xuất sử dụng tính năng "local dimming" (làm tối cục bộ), cho phép bật tắt theo từng vùng - hay còn gọi là Dimming Zone. Tính năng làm tối cục bộ này là một trong những yếu tố đằng sau sự ra đời của công nghệ HDR khi khả năng kiểm soát vùng tối giúp hình ảnh thực tế hơn, có chiều sâu hơn.
Công nghệ mini-LED sẽ cải thiện hơn nữa khả năng hiển thị vùng tối, cho phép số lượng vùng rời rạc cao hơn rất nhiều. Với kích thước khoảng 200 micron, hoặc 0,008 inch, mỗi mini-LED chỉ nhỏ bằng 1/5 kích cỡ của đèn LED chuẩn trên tấm nền LCD. Việc thu nhỏ kích thước đèn nền giúp số lượng bóng LED trên một tấm LCD tăng hơn nhiều lần, lên tới hàng nghìn bóng mini LED, thay vì chỉ vài trăm như đèn LED truyền thống.
Nhưng đó không phải là lợi ích duy nhất mà các màn hình mini-LED mang lại. Kích thước lớp đèn nền nhỏ sẽ cho phép TV LCD mỏng hơn, ngoài ra, cũng hạ giá thành các TV loại này. TV Roku 6-Series của TCL sử dụng công nghệ mini-LED hiện được bán với giá dưới 1.000 USD cho các mẫu, trừ phiên bản 75 inch. Chiến lược giá tương tự cũng áp dụng cho các mẫu TV mini-LED mới nhất của Samsung và LG.
Các hãng đặt cược lớn vào mini-LED
Samsung có kế hoạch mang công nghệ mini-LED lên TV 4K và 8K cao cấp trong năm nay với dòng Samsung Neo QLED. Công nghệ đèn mini-LED của Samsung bao gồm các bộ khuếch tán cực nhỏ, được tích hợp bên trong mỗi đèn LED. Việc này giúp loại bỏ không gian dành cho tấm khuếch tán riêng biệt giữa đèn nền và màn hình LCD.
Samsung thậm chí đang kết hợp mini-LED với công nghệ chấm lượng tử QLED và đặt một cái tên mới là Neo QLED. Công nghệ lai này đang chiếm vị trí trung tâm trong tất cả TV 4K và 8K cao cấp của Samsung năm nay.
LG cũng đã tham gia vào cuộc đua mini-LED với dòng TV tầm trung LG QNED. Hãng này được cho là sẽ chỉnh sửa công nghệ mini-LED bằng cách bổ sung đèn nền, kết hợp chất lọc màu Nanocell và màu chấm lượng tử. Bộ ba nâng cấp đáng giá trên có thể giúp TV QNED mới của LG trở thành TV LCD tốt nhất trên thị trường năm nay.
Hiện nay TCL là công ty duy nhất đã bán ra thị trường TV mini-LED. Sau khi giới thiệu công nghệ mini-LED cho TV 8-Series và TV 6-Series vào năm 2019, TCL đã giới thiệu dòng OD-Zero mới. OD Zero là bước tiến mới về công nghệ hiển thị khi thu hẹp khoảng cách quang học giữa lớp đèn nền mini-LED và tấm khuyếch tán xuống 0 mm.
TV mini-LED có đáng mua không?
Theo chuyên trang đánh giá Tomsguide, câu trả lời hoàn toàn là có.
Mẫu TV Mini-LED 6-Series của TCL đã được trang Tomsguide bình chọn là TV thông minh tầm trung đáng mua nhất 2020 nhờ vào khả năng kiểm soát ánh sáng xuất sắc.
Nếu không có hứng thú với thương hiệu TCL, người tiêu dùng có thể chờ tới tháng 3 hoặc tháng 4 năm nay với các sản phẩm Mini-LED đến từ Samsung và LG. Các bài đánh giá của Tomsguide đều chỉ ra sự cải thiện rõ rệt về chất lượng hình ảnh giữa Mini-LED và LCD thông thường và cho rằng giá TV Samsung và LG sẽ không cao hơn TCL quá nhiều.
Đăng Thiên (theo Tomsguide)