Theo Business Insider, từ đầu những năm 2010, CEO của mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook bắt đầu được bảo vệ 24/7. Tuy nhiên, không phải lúc nào ông cũng để đội ngũ nhân viên bảo vệ xung quanh mình bởi vị giám đốc này có thói quen khá đặc biệt - hay đi lang thang. Ông có thể bất chợt rời khỏi văn phòng, đi bộ hoặc đến một quán bar, khiến các nhân viên không thể theo kịp.
"Anh ấy ở độ tuổi hai mươi, đang phát triển một nền tảng mà anh ấy thực sự tin là tốt. Khi đó Zuckerberg không hiểu được rằng có những kẻ thù ghét mình ngoài kia", một nguồn tin cho biết.
Tuy nhiên, kể từ đó tới nay, nhà điều hành kiêm tỷ phú thế giới này đã ngày càng chấp nhận sự hiện diện liên tục của đội ngũ bảo vệ trong cuộc sống của mình. Đi cùng với sự tăng cường bảo mật của chính Facebook, những nhân viên bảo vệ này cũng theo dõi và gắn liền với cuộc sống của Zuckerberg gần giống với một nguyên thủ quốc gia hơn là một kỹ sư công nghệ 34 tuổi.
Chia sẻ từ các nhân viên hiện tại và trước đây từng làm việc tại bộ phận An ninh toàn cầu của Facebook cũng như một loạt tài liệu về cách Facebook xử lý vấn đề bảo mật của công ty cho thấy phần nào mức độ tinh vi và chu toàn trong cách CEO kiêm chủ tịch của công ty mạng xã hội đa quốc gia này được bảo vệ.
Đầu tiên và cơ bản nhất là đội ngũ bảo vệ có vũ trang được điều động để kiểm soát khu vực bên ngoài ngôi nhà của Mark Zuckerberg ở Bay Area. Căn nhà này có ít nhất một căn phòng an toàn dành cho những tình huống đặc biệt. Nếu Zuckerberg muốn đến một quán bar, đội của ông sẽ rà soát trước khu vực để đảm bảo an ninh. Đội này cũng có các bác sĩ đánh giá và hướng dẫn nếu ông chủ Facebook muốn tiếp nhận một sở thích mới. Khi ông đi ra ngoài, một đội an ninh sẽ giám sát giao thông và điều chỉnh tuyến đường sao cho phù hợp.
Trong tất cả mọi cuộc họp, các thành viên của đội bảo vệ sẽ ngồi phía trước và rải rác khắp đám đông, đề phòng trường hợp có nhân viên nào cố gắng xông vào. Những nhân viên này sẽ mặc quần áo như mọi người xung quanh để dễ hòa nhập.
Khác với giám đốc ở các công ty truyền thống, Zuckerberg thường không làm việc trong văn phòng riêng. Thay vào đó, bàn làm việc của ông thường đặt giữa mọi người trong khu văn phòng với thiết kế mở. Tuy nhiên, các nhân viên bảo vệ được sắp xếp ngồi gần bàn của ông để có thể xử lý tình huống trong trường hợp bị đe dọa an ninh. Văn phòng của Facebook thường được xây dựng phía trên một bãi đậu xe của nhân viên, nhưng không ai có thể đỗ xe ngay bên dưới bàn của Zuckerberg. Việc này nhằm tránh rủi ro về nguy cơ bom xe.
Trong trường hợp khẩn cấp, Zuckerberg có thể nhanh chóng di chuyển vào một phòng hội nghị ở gần bàn làm việc. Căn phòng này có tường bằng kính dày và cửa sổ chống đạn, cũng như nút bấm thông báo tình huống đặc biệt. Ngoài ra còn có tin đồn lan truyền giữa các nhân viên của Facebook rằng ông chủ của họ có một "đường thoát hiểm" bí mật nối giữa phòng hội nghị và nhà để xe, cho phép ông có thể được sơ tán một cách nhanh chóng ra khỏi văn phòng. Facebook từ chối bình luận về điều này.
Vào tháng 7/2018, hội đồng quản trị của Facebook đã phê duyệt khoản trợ cấp bảo mật trị giá 10 triệu USD mỗi năm cho Zuckerberg và các thành viên trong gia đình. Không quá khó để đưa ra lý do chính đáng bởi vị giám đốc điều hành kiêm tỷ phú này có tới gần 120 triệu người theo dõi trên Facebook. Ngoài việc thành biểu tượng cho lý tưởng của Facebook, ông cũng là trung tâm của những vụ bê bối gần đây có liên quan tới công ty.
Nhóm bảo vệ đặc biệt của Facebook hiện có hơn 70 người, do cựu đặc nhiệm của Sở Mật vụ Mỹ Jill Leavens Jones dẫn đầu. Mức độ bảo vệ càng được tăng cường sau vụ nổ súng tại văn phòng YouTube vào tháng 4/2018. Thường xuyên có nhân viên bảo vệ mặc thường phục, được trang bị súng cầm tay đi tuần tra trong sảnh. Công ty cũng chi khoảng 1 triệu USD để tăng cường đội xe với hơn 30 chiếc SUV hybrid RAV4 của Toyota.
Dưới một vài góc nhìn, đây giống một đội quân thu nhỏ có thể thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt từ theo dõi kẻ thù, chống lại việc tấn công bằng bom xe, chống thiên tai như động đất, hạn chế bạo loạn quy mô lớn và cả những lo ngại về gián điệp do nhà nước bảo trợ. Tất nhiên, đội ngũ này cũng phải giải quyết vấn đề bình thường, thuộc loại dễ dàng xuất hiện ở các công ty lớn như trộm cắp vặt, tai nạn xe hơi hoặc cấp cứu y tế.
Theo một số báo cáo, cả Mark Zuckerberg và COO Sheryl Sandberg nhận được rất nhiều mối đe dọa sát hại mỗi tuần. Xung quanh hai người này cũng có nhiều kẻ rình rập, khiến họ trở thành hai giám đốc điều hành duy nhất của công ty nhận được sự bảo vệ 24/7. Trong khi đó những người khác chỉ nhận được ưu đãi này trong một số dịp cụ thể, như khi đi du lịch. Cả hai cũng có tên mã bảo mật khá thú vị, tuy nhiên thông tin này không được công khai vì lý do an toàn.
Theo CNBC, những kẻ theo dõi Mark Zuckerberg được phân loại và gọi là BOLO (Be On the Look Out) và sẽ bị cấm sử dụng tất cả các sản phẩm của Facebook. Nếu BOLO sử dụng Facebook hoặc ứng dụng khác mà công ty sở hữu, nhóm bảo mật có thể bí mật sử dụng dữ liệu được rút ra từ những ứng dụng này để theo dõi vị trí của họ mà không cho họ biết.
Ngoài lo ngại an ninh, những trò đùa và các tình huống nguy hiểm chính trị cũng rất được quan tâm. Nhiều nhà điều hành cấp cao đã trở thành mục tiêu tấn công, như năm 1998 Bill Gates đã bị ném một chiếc bánh vào mặt tại Brussels, Bỉ. Do đó, bất cứ khi nào Mark Zuckerberg xuất hiện trước công chúng, các sự kiện này đều phải được lên kế hoạch đảm bảo an ninh một cách cẩn thận.
Ngoài ra, mọi người cũng thường gửi món quà bất ngờ tới nhà ông chủ Facebook. Những thứ này đều được gửi đến đội an ninh để kiểm tra và Zuckerberg không tự mở chúng.
Trong văn phòng của Facebook, mọi thứ ít căng thẳng hơn. Nhưng các nhân viên vẫn thường tranh thủ để có được chỗ ngồi gần nhất với Zuckerberg trong các cuộc họp. Nhân viên bảo vệ được hướng dẫn để cảnh giác, không cho nhân viên và khách tại văn phòng cố gắng chụp trộm ảnh. Một số nhân viên cũng hay cố gắng tặng ông chủ của mình quà.
"Nếu từng ở gần văn phòng của ông ấy, bạn sẽ thấy có những người to lớn ngồi đó nhìn chằm chằm vào màn hình. Họ giả vờ là kỹ sư phần mềm, nhưng mọi người đều biết họ là nhân viên bảo vệ", một nhân viên của Facebook viết trên trang Quora. "Một lần tôi ở đó lúc 7 giờ sáng và cố gắng chụp ảnh văn phòng để gửi cho các thành viên trong nhóm, dù ông ấy không có ở đó, ngay lập tức có 3 người đàn ông xuất hiện và yêu cầu tôi xóa hình".